Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trao đổi với phóng viên về việc thực hiện những lời hứa tại phiên chất vấn Quốc hội trong ngày 12/6:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
* Sau phần trả lời chất vấn và kết luận của Chủ tịch Quốc hội, ông có cảm nghĩ thế nào?
Trước hết tôi rất phấn khởi vì đã được chọn để trả lời chất vấn tại Hội trường. Đây là dịp để nhìn lại những gì mình làm được thì cần phát huy, những gì đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng còn hạn chế, yếu kém, tồn tại thì mình phải có giải pháp khắc phục, lắng nghe. Chắc chắn là sau kỳ trả lời chất vấn này, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành. Như Chủ tịch Quốc hội nêu đây là vấn đề cái chung của cả hệ thống, trong đó trước hết là trách nhiệm của Chính phủ theo Hiến pháp là phải tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật. Trách nhiệm Chính phủ ở đây bao gồm cả Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Đương nhiên, Bộ Tư pháp với vai trò nòng cốt của mình phải có trách nhiệm chính. Bộ Tư pháp cũng sẽ ban hành kế hoạch riêng của mình để triển khai thực hiện rốt ráo những vấn đề mà ĐBQH nêu ra và Chủ tịch Quốc hôi kết luận.
Thứ hai, tôi rất mừng là qua trả lời chất vấn, đồng bào và cử tri cả nước hiểu rõ thêm vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với cuộc sống, với xã hội, với phát triển kinh tế xã hội như thế nào, và chia sẻ thêm công việc của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp , nhất là ngành tư pháp ở các địa phương.
* Vậy thưa Bộ trưởng, kế hoạch cụ thể của Bộ Tư pháp sau khi nhận được câu hỏi chất vấn và kết luận của Chủ tịch Quốc hội?
Tôi vừa chỉ đạo ngay cán bộ tư pháp tại đây. Thứ nhất, trong sửa đổi Bộ Luật Dân sự sắp tới, phải làm sao rà soát lại một lần nữa với những quyền con người, quyền công dân mà đã được khẳng định trong Hiến pháp, để tạo hành lang pháp lý về quan hệ dân sự kinh tế phù hợp với các quy định của Hiến pháp.
Bộ Luật Hình sự sửa đổi sắp tới cũng được rà soát rất kỹ với những quy định của Hiến pháp đó, để làm sao bảo vệ tốt nhất quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ an ninh quốc gia thì đương nhiên rồi.
Thứ hai, là làm sao để “dọn dẹp phát quang” hệ thống pháp luật của chúng ta, thì phải tiếp thu qua chất vấn lần này để xây dựng một luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất tới đây cho phù hợp, bảo đảm mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho dự án luật này là nghiên cứu bổ sung rất đậm nét vấn đề tổ chức thi hành pháp luật, trách nhiệm của các Bộ trưởng, cũng như của Chính phủ, trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, sai về nội dung, trái với quy định của văn bản cấp trên. Tôi đã yêu cầu cán bộ phải rà soát lại.
* Bộ trưởng nói một ý mà mọi người vừa mừng vừa lo, đó là hệ thống pháp luật của mình phức tạp nhất thế giới, mừng là vì nhiều luật, nhưng cũng lo vì phức tạp sẽ khó triển khai?
Nhiều luật thì cũng tốt, nhưng vấn đề ở đây là không chỉ có luật mà từ luật rồi đến pháp lệnh, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định của Chính phủ, thông tư của các bộ, đến tận chỉ thị của cấp xã, làm cho rối tinh. Hôm nay Chủ tịch Quốc hội nêu rất trúng về trách nhiệm của chính quyền địa phương, không phải chỉ có trách nhiệm của trung ương. Rừng luật là ở chỗ đó, rừng luật theo nghĩa cả số lượng và sự rậm rạp, khó tìm lối, khó chấp hành và chi phí tuân thủ rất cao.
Những điều tôi đã hứa hôm nay là tôi quyết tâm sẽ làm. Để cố gắng đến cuối năm 2014, đạt được những chỉ tiêu cơ bản mà Quốc hội đã đề ra cho Nghị quyết 37.
* Thưa Bộ trưởng, Hiến pháp đã ban hành có hiệu lực rồi nhưng luật và nhiều văn bản bên dưới chưa phù hợp? Vậy theo Bộ trưởng, vấn đề này giải quyết thế nào?
Kế hoạch của Chính phủ và Quốc hội cũng đã đề ra rồi, nhưng vấn đề đòi hỏi phải có thời gian. Lấy ví dụ là cuối tháng 6 theo lịch của Chính phủ thì các tỉnh, thành rồi các bộ phải báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rà soát xem những văn bản nào, nội dung nào là phải dừng thi hành, vì trái với Hiến pháp. Tuy nhiên, nói thêm là công việc rất đồ sộ, trong khi hiểu về Hiến pháp phù hợp với tinh thần của Hiến pháp đang còn khác nhau, nên còn có ý kiến chưa thống nhất. Đơn cử như, tòa án thực hiện quyền Tư pháp, nhưng quyền tư pháp là gì, khái niệm ra sao trong luật tổ chức tòa án hiện nay chưa rõ.... Hoặc vấn đề trong Hiến pháp có điều về chính quyền địa phương (CQĐP), nói là CQĐP, HĐND, UBND, phù hợp với miền núi, đô thị, hải đảo, khu vực kinh tế hành chính đặc biệt. Vậy hiểu ra sao, như thế nào cũng là vấn đề đang bàn luận.
* Vậy Hiến pháp mở như thế, đơn vị nào sẽ đưa ra cách giải thích thống nhất, thưa Bộ trưởng?
Sắp tới trình Luật tổ chức CQĐP thì khi đó mới thống nhất về cách hiểu. Bộ Chính trị cũng đã đồng ý để TP HCM, Đà Nẵng làm thí điểm đơn vị hành chính, có thể chỉ có hai cấp. Nhất là Đà Nẵng, tôi cho là rất cần thiết, vì Đà Nẵng vốn chỉ là một quận nên chỉ có 2 cấp.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Xuân Minh (ghi)