Các nước khẳng định, qua 15 năm hình thành và phát triển, EAS đã phát huy vai trò quan trọng và giá trị chiến lược, là diễn đàn của các nhà Lãnh đạo thảo luận về các vấn đề chiến lược, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng ở khu vực. Các nước ghi nhận tiến triển về hợp tác EAS thời gian qua mặc dù bị ảnh hưởng bởi những thách thức của dịch COVID-19, nhất là trong triển khai Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018-2022.
Hoan nghênh kết quả của Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15 trong năm 2020, các nước nhấn mạnh cần phối hợp triển khai tích cực các kết quả và Tuyên bố chung thông qua tại Hội nghị, trong đó có Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm EAS, tăng cường hơn nữa vai trò và giá trị chiến lược của EAS trong giai đoạn phát triển mới. Các nước nhất trí duy trì đà hợp tác EAS đã đạt được, tập trung hoàn tất Kế hoạch hành động Manila giai đoạn 2018-2022 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn tiếp theo trên cơ sở các ưu tiên phù hợp với tình hình mới.
Trước các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong khu vực, các nước Đối tác EAS cam kết dành ưu tiên cao hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu và phát triển vaccine, bảo đảm phân phối vaccine an toàn, hiệu quả và đồng đều. ASEAN đề nghị các nước đối tác EAS ủng hộ các nỗ lực các sáng kiến ứng phó COVID-19 của ASEAN như Quỹ ASEAN ứng phó COVID19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực và Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Các nước nhất trí duy trì liên kết kinh tế và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng xanh và hướng tới phát triển bền vững, áp dụng các thành tựu đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mới như kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo… ASEAN và các đối tác EAS nhất trí phối hợp chuẩn bị tốt cho các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS tháng 8/2021 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16 cuối năm 2021, trong đó có soạn thảo các văn kiện Hội nghị về chủ đề hợp tác sức khỏe tinh thần, tăng trưởng xanh, thúc đẩy tăng trưởng thông qua phục hồi du lịch.
Đề cập đến các thách thức phức tạp đang nổi lên, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, tình hình Myanmar…, các nước khẳng định tiếp tục bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định là lợi ích chung, nhất là trong bối cảnh các nước tập trung tối đa ứng phó dịch bệnh và nỗ lực phục hồi; nhấn mạnh EAS cần phát huy hơn nữa vai trò quan trọng, đóng góp tích cực cho các nỗ lực này.
Trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, các nước nhấn mạnh cần phối hợp bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác; kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Các nước hoan nghênh kết quả Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN ngày 24/4/2021 và khẳng định ủng hộ vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các nước tiếp tục dành ưu tiên cao phối hợp hỗ trợ giảm thiểu các tác động của COVID-19, bảo vệ sức khỏe người dân và phục hồi phát triển kinh tế khu vực, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và bảo đảm phát triển đồng đều, bền vững tại khu vực, nhất là tiểu vùng Mekong.
Chia sẻ các ý kiến đánh giá tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định lại lập trường của ASEAN về Biển Đông, đề nghị các bên cần đề cao nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết hiệu quả các thách thức đang nổi lên, nâng cao trách nhiệm, đề cao cách tiếp cận dựa trên luật lệ trong quan hệ giữa các quốc gia, thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh để sớm hoàn tất COC ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực.