Hội nghị APPF-26: Truyền tải hình ảnh Quốc hội Việt Nam đổi mới

Hội nghị thường niên lần thứ 26, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 18-21/1/2018 tại Hà Nội với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng toàn diện vì tương lai bền vững”, góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước, khẳng định vai trò, uy tín của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.

Tăng cường đối thoại

Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương do Cựu Thủ tướng Nhật bản Yasuhiro Nakasone đặt nền móng. Đây là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc họp lần thứ ba Ban Tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tháng 8/1991, Hội nghị trù bị đầu tiên của APPF được tổ chức ở Singapore với sự tham gia của nghị sĩ đến từ 9 nước (Australia, Canada, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ). Hội nghị trù bị mở rộng lần thứ hai được tổ chức tại Canberra (Australia) ngày 10-11/12/1991 có 37 nghị sĩ tham gia đến từ các nước: Australia, Brunei (quy chế quan sát viên), Canada, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Liên bang Micronesia, New Zealand, Papua New Guinea, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Mỹ).

Năm 1993, tại phiên khai mạc ở Tokyo (Nhật Bản), APPF được chính thức thành lập với việc thông qua Tuyên bố Tokyo. Hội nghị APPF-2 tại Philippines đã thông qua Quy chế của Diễn đàn.  Tại Hội nghị lần thứ 5 năm 1997 , APPF đã thông qua Tuyên bố Vancouver nêu lên tầm nhìn của khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI.

Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương hiện có 27 nghị viện thành viên gồm: Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Về nguyên tắc, APPF mở rộng cho tất cả các nghị viện, nghị sỹ quốc gia khu vực châu Á- Thái Bình Dương với tư cách là thành viên liên kết, quan sát viên hoặc do các Hội nghị thường niên APPF xác định.

Diễn đàn nhằm tăng cường đối thoại giữa các nghị sỹ trong khu vực về vấn đề an ninh-chính trị; hợp tác kinh tế-thương mại và văn hóa, góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. APPF còn là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Kể từ Hội nghị thường niên lần đầu tiên của APPF vào năm 1993, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn luôn là động lực năng động của tăng trưởng toàn cầu. Cùng với sự phát triển của ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện cũng đã được thúc đẩy một cách tích cực.

Mục tiêu của APPF nhằm thúc đẩy sự gắn bó và hợp tác khu vực vì sự phát triển hơn nữa của hòa bình, tự do, dân chủ và thịnh vượng; hợp tác mở và đồng đều nhằm mở rộng thương mại tự do và đầu tư, phát triển bền vững, các hoạt động môi trường hợp lý, đồng thời dành sự quan tâm thích hợp đối với các vấn đề liên quan đến an ninh và hòa bình của khu vực.

Quốc hội Việt Nam - Thành viên tích cực

Tại Lễ chuyển giao chức Chủ tịch APPF nhiệm kỳ 2017- 2018 giữa Quốc hội Fiji và Quốc hội Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã nêu rõ, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao hoạt động cũng như nội dung nghị sự của APPF, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các Nghị viện khu vực; củng cố cơ chế đối thoại, trao đổi giữa các nghị sỹ và nâng cao vao trò của các Nghị viện trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực, đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Kể từ khi là thành viên của APPF tháng 1/1995, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của Diễn đàn. Hàng năm, Quốc hội Việt Nam đều cử Đoàn tham dự Hội nghị, trong đó có một số đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội như: Đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự APPF-21 tại Vladivostok, Liên bang Nga (tháng 1/2013), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự APPF-20 tại Nhật Bản (tháng 1/2012)...


Dấu ấn đặc biệt chính là Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 13 của APPF vào tháng 1/2005 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Hội nghị đã thu hút sự tham dự đông đảo của 22 Nghị viện thành viên và Nghị viện quan sát viên (Brunei), để lại nhiều ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế. Tại Hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất về hợp tác vượt qua thảm họa động đất và sóng thần, được các nước tham dự hội nghị ủng hộ. Ðây là hành động kịp thời thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của các nước thành viên APPF với các nước chịu thảm họa.

Hội nghị APPF-14 diễn ra từ ngày 15-20/1/2006 tại thủ đô Jacarta của Indonesia thu hút 278 đại biểu thuộc 22 đoàn nghị viện thành viên và quan sát viên tham dự. Nhiều kiến nghị của Đoàn Việt Nam được đưa vào Thông cáo chung và các văn kiện của Hội nghị như: Kiến nghị tăng cường phối hợp giữa nghị viện với chính phủ các nước châu Á-Thái Bình Dương, giữa APPF với APEC, hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động của APEC, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực; kiến nghị mở rộng quan hệ giữa APPF với các tổ chức nghị viện khác trên thế giới nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các châu lục.

Tham dự Hội nghị APPF-18 tại Singapore từ ngày 18-21/1/2010, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp bàn về vấn đề biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị này, một nghị quyết riêng về biến đổi khí hậu, do 6 nước bảo trợ (trong đó có Việt Nam), đã được thông qua. Tại đây, Việt Nam cũng có sáng kiến về việc "thiết lập một cơ chế hợp tác chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm các tổ chức liên nghị viện khu vực như APPF, Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA) và các tổ chức liên chính phủ khu vực như APEC, ASEAN nhằm đối phó hữu hiệu với các nguy cơ của biến đổi khí hậu" được các nước thành viên hoan nghênh và đưa vào Nghị quyết.

Hội nghị APPF-19 tại Mông Cổ ngày 23-27/1/2011 đã tập trung vào những vấn đề thời sự nóng nhất của khu vực và thế giới, yêu cầu phải có nỗ lực hành động và phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia cũng như của các nghị viện để giải quyết. Tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã đề xuất hai nghị quyết về biến đổi khí hậu và thực hiện “Mục tiêu thiên niên kỷ”, được nhiều nghị viện thành viên chia sẻ, ủng hộ và thông qua như văn kiện chính thức của Hội nghị…

Việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức lần thứ hai, Hội nghị thường niên của APPF tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF, góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
10 sự kiện nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong năm 2017
10 sự kiện nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong năm 2017

Năm 2017, năm thứ hai của nhiệm kỳ khóa XIV, cùng với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Quốc hội Việt Nam tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu xây dựng một Quốc hội “đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN