Trình bày Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương với 34 điều. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong nội dung giải thích, bảo đảm thống nhất với khái niệm "Khu quân sự" và các nội dung của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại. Khái niệm công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc; công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự. Để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại khái niệm này như sau: "Khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng".
Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đối với quy định về công trình lưỡng dụng, ông Lê Tấn Tới cho biết, công trình lưỡng dụng quy định trong dự thảo Luật là công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 15 Luật Quốc phòng; sân bay mang tính lưỡng dụng là một loại của công trình lưỡng dụng và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được thực hiện theo các quy định tại khoản 6 Điều này; việc quy định 1 Điều về công trình lưỡng dụng trong dự thảo Luật là phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, tính năng của loại hình công trình này.
Trong trường hợp phá dỡ công trình quốc phòng được thực hiện khi công trình quốc phòng đó không phù hợp để sử dụng cho dự án phát triển kinh tế - xã hội, chủ đầu tư dự án không có nhu cầu sử dụng hoặc công trình quốc phòng buộc phải phá dỡ để bảo đảm bí mật quân sự.
Thẩm quyền phá dỡ công trình quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định nhưng việc chuyển mục đích sử dụng diện tích đất quốc phòng nơi có công trình quốc phòng bị phá dỡ sang mục đích khác vẫn do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như dự thảo Luật…
Ngoài ra, về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự, theo ông Lê Tấn Tới, để đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đề nghị Quốc hội cho quy định khoản 2 thành 2 điểm như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉnh lý khoản 9 Điều này theo hướng quy định cụ thể về quản lý hoạt động, đi lại, cư trú của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phù hợp với quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ và tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội…
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường về Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phối hợp với ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội có 6 Chương, 34 Điều.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay chưa, các nội dung chỉnh lý, tiếp thu đã đầy đủ, thuyết phục chưa, nội dung giải thích từ ngữ có đảm bảo rõ ràng, nhất quán hay không; việc chỉnh lý quy định phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự đã bảo đảm rõ ràng chưa; về công trình lưỡng dụng, xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm trong báo cáo cũng như các vấn đề các đại biểu quan tâm.