Tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự

Sáng 22/3, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Dự thảo Luật), sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Chú thích ảnh
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. 

Các đại biểu tham dự nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, để thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Pháp lệnh) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1994, để đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới. 

Theo Đại tá Cao Văn Phát, Bộ Tư lệnh Thành phố, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh vẫn còn một số vướng mắc, bất cập như: việc xác định vị trí, ranh giới bao vệ công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra tình trạng lấn chiếm, xâm canh trái phép phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp với các địa phương với các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ. Việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ... Bên cạnh đó, thời gian qua,  hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. 

Chú thích ảnh
Đại diện Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh góp ý Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh, hoàn thiện quy định về nội dung quản lý và xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, làm cơ sở tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ; xây dựng chính sách đối với các khu vực bị hạn chế các hoạt động do yêu cầu của công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trinh quốc phòng và khu quân sự; bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thống nhất với các đại biểu về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ông Nguyễn Văn Cầu, Phó trưởng Phòng Pháp chế, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu chính trị trong tình hình mới nhằm góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng. 

Dù thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thay cho Pháp lệnh, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, Dự thảo Luật cần tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn và thống nhất với các quy định chung của pháp luật liên quan.

Theo nhiều đại biểu, Dự thảo Luật chỉ có 6 chương, 33 điều nhưng có tới hơn 14 điều, khoản có nội dung giao cho Chính phủ, các Bộ, UBND tỉnh quy định, hướng dẫn. Ban soạn thảo Dự thảo Luật cần rà soát, quy định cụ thể, chi tiết hơn nhằm hạn chế tình trạng khi Luật có hiệu lực sẽ mất thời gian chờ hướng dẫn áp dụng Luật và nâng cao tính khả thi triển khai Luật trên thực tiễn.

Chú thích ảnh
Đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh góp ý Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự. 

Quan tâm đến sự thống nhất của hệ thống pháp luật, ông Nguyễn Văn Cầu nhấn mạnh đến việc Dự thảo Luật cần được nghiên cứu chỉnh sửa trên nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và thống nhất với các quy định pháp luật liên quan. Cụ thể như những quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 20 đề cập đến "quyền hạn của lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng được tạm giữ người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực cấm, khu vực bảo vệ khi có căn cứ cho rằng người, đồ vật, phương tiện đó có nguy cơ nguy hại đến an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự", cần được xây dựng đảm bảo các chế định về bắt giữ người vi phạm, tội phạm được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Ông Trần Quang Triệu, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo Luật cần được điều chỉnh, cơ cấu theo hướng thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt với Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. 

Theo ông Trần Quang Triệu, thực tế vừa qua, do quá trình lịch sử, tình trạng xâm lấn, xâm hại đất công trình quốc phòng và khu quân sự đang diễn ra tại một số địa phương gây khó khăn cho hoạt động xây dựng các công trình dân sự cần thiết. Vì vậy, Dự thảo Luật cần thể hiện được sự quan tâm đến thực trạng quản lý, sử dụng đất công trình quốc phòng và khu vực quân sự cũng như các chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, ông đề nghị cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao, sử dụng đất công trình quốc phòng, khu quân sự.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý về chỉnh sửa, bổ sung một số điều, khoản cụ thể trong Dự thảo Luật, nhằm đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn và tính khả thi trong áp dụng Luật./.

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Khảo sát, lấy ý kiến góp ý dự án Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Khảo sát, lấy ý kiến góp ý dự án Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Ngày 17/2, Đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 về kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN