Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, việc khảo sát nhằm phục vụ việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, trong đó có Luật Bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự. Liên quan đến vấn đề này đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan đưa vào áp dụng khá lâu. Thực hiện chương trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu với dự án Luật Bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự; dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023.
Theo Trung tướng Đỗ Quang Thành, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã xây dựng chương trình khảo sát các địa bàn trên cả nước. Đoàn khảo sát mong muốn nắm được các nội dung như quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật thời gian qua đối với công tác bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có những thuận lợi, khó khăn khăn gì. Đối với các vấn đề được quy định trong nghị định, pháp lệnh, nếu thực hiện thuận lợi thì có thể phát triển, đưa vào Luật để đảm bảo tính pháp lý cao hơn. Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng muốn lắng nghe ý kiến của Quân khu 9 đối với dự thảo Luật Bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến chính sách. Đoàn công tác sẽ ghi nhận, tiếp thu để chuyển tới các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật, đảm bảo phù hợp và tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo Đại tá Nguyễn Chí Linh, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, từ khi Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được ban hành và tổ chức thực hiện, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị trong toàn Quân khu với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành có liên quan, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang quân khu và người dân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự từng bước được nâng lên; phát huy tốt chức năng quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng an ninh.
Hệ thống công trình quốc phòng và khu quân sự được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, từng bước được củng cố, hoàn thiện và đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch được phê duyệt, hình thành thế trận trong khu vực phòng thủ; bảo đảm tính cơ bản, liên hoàn, vững chắc, góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư lệnh Quân khu 9, trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh đã bộc lộ một số mặt còn hạn chế, bất cập. Pháp lệnh được ban hành từ năm 1994 đến nay chưa được thay đổi, bổ sung nên một số nội dung không còn phù hợp với các văn bản luật hiện hành như Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng 2014, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017... Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là yêu cầu cấp thiết đặt ra.
Tại buổi làm việc, Quân khu 9 kiến nghị với Đoàn khảo sát cần có quy định hoặc cơ chế riêng cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho các dự án đầu tư xây dựng công trình chiến đấu bởi hiện nay, việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác (đặc biệt là đất rừng) sang đất quốc phòng để xây dựng các công trình quân sự gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, thủ tục kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư.
Đối với dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Quân khu 9 đề xuất tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, bổ sung nội dung: "Hết niên hạn sử dụng, không nằm trong quy hoạch xây dựng doanh trại, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư công trình quốc phòng mới" vào sau cụm từ "khai thác, sử dụng".