Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 19/5/1994; Chính phủ ban hành Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự kèm theo Nghị định 04/NĐ-CP ngày 16/1/1995. Các văn bản trên đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 1992, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành, quản lý Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; tạo thế và lực vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ.
Tuy nhiên, sau 24 năm tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập: Chưa thể chế hóa các chủ trương đường lối, Nghị quyết của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; một số quy định chưa thống nhất, tương thích, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; thực tiễn phát triển, hội nhập của đất nước, nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự còn một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp bộ, ngành, địa phương.
Để triển khai nhiệm vụ tổng kết thực hiện Pháp lệnh làm cơ sở đề xuất xây dựng dự án Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tổng kết thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên phạm vi toàn quốc (1994-2018).
Nội dung tổng kết gồm đánh giá công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với pháp lệnh của các bộ, ngành, địa phương cho cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh (bao gồm cả Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự kèm theo Nghị định 04/NĐ-CP ngày 16/1/1995) theo thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ của từng bộ, ngành và UBND các cấp.
Ngoài ra, cần tổng kết công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội trong thực hiện Pháp lệnh đối với việc xây dựng, xét duyệt các quy hoạch, cấp phép xây dựng các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự; tổng hợp, đánh giá tình hình xâm hại đến công trình quốc phòng và khu quân sự ở từng địa phương, đơn vị; các công trình, dự án có yếu tố nước ngoài có ảnh hưởng đến công trình quốc phòng và khu quân sự.
Từ đó, đề xuất những chủ trương, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trong thời gian tới; kiến nghị, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung trong xây dựng dự án Luật Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Thủ tướng yêu cầu công tác tổng kết phải đánh giá đầy đủ, khách quan những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập, chồng chéo, làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tổng kết đúng kế hoạch, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Về phương pháp và thời gian tổng kết, Chỉ thị nêu rõ: UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, lập báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị) và gửi về UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 30/4/2018.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hội nghị tổng kết; thành phần tham gia gồm: Các sở, ban, ngành của địa phương, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn. Thời gian hoàn thành hội nghị tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Quốc phòng xong trước ngày 30/6/2018.
Các bộ, ngành lập báo cáo tổng kết (không tổ chức hội nghị) và gửi về Bộ Quốc phòng trước ngày 30/6/2018.
Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị tổng kết do Bộ trưởng chủ trì, hoàn thành tổng kết trong quý III/2018.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổng kết Pháp lệnh; xây dựng kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này; tổ chức tổng kết đạt hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2018.