Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều. Dự kiến Luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Đại tá Bùi Văn Dũng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cho biết, thực tế trong thời gian qua, công tác quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự của Quân khu thực hiện theo Pháp lệnh số 32-L/CTN ngày 19/05/1994 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Quốc phòng. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu kiểm soát quân sự trên địa bàn; đồng thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhìn chung công trình quốc phòng và khu quân sự của Quân khu quản lý đều bảo đảm an toàn, giữ vững được thế trận theo Quyết tâm tác chiến phòng thủ của Quân khu cũng như ý định tác chiến của Bộ.
Tuy nhiên, theo Đại tá Bùi Văn Dũng, để việc quản lý các công trình quốc phòng và khu quân sự được thống nhất với các Luật khác có liên quan, việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là hết sức quan trọng. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự. Qua nghiên cứu nội dung, Quân khu 7 nhất trí cao về cấu trúc cũng như nội dung của dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Dự thảo Luật Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Với sự hoàn chỉnh của dự thảo Luật lần này, Quân khu 7 rất mong được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới.
Ông Nguyễn Bá Nhịn, Hội Cựu Chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Dự thảo Luật lần này được nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung mạch lạc, logic hơn, nhưng vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện do hầu hết các vấn đề đều là hệ trọng, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan thuộc Chính phủ; MTTQ và các tổ chức thành viên; quyền, nghĩa vụ của người dân...
Cơ bản nhất trí với hình thức, bố cục dự thảo Luật lần này, theo ông Nguyễn Bá Nhịn, ngoài quy định thống kê, kiểm kê... cần bổ sung thêm quy định về kiểm tra vào Chương II Quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự. Bởi, trong dự thảo Luật lần này các Điều từ 9 đến 15 của Chương II không có quy định nào đề cập đến chế độ kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra công trình Quốc phòng, khu quân sự. Trong khi thực tế thời gian qua, có những công trình quốc phòng, khu quân sự trong quá trình quản lý, bàn giao thiếu kiểm tra, bỏ sót nên bị lấn chiếm, đến khi phát hiện thì khó thu hồi; giải quyết rất khó khăn, phức tạp. Vì thế, Chương II của dự thảo Luật này cần bổ sung thêm Điều 16 với nội dung như sau: “Sau khi nhận được Báo cáo thống kê, kiểm kê của đơn vị được giao quản lý, sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, cơ quan cấp trên phải thực hiện kiểm tra hoặc phối hợp cơ quan liên quan kiểm tra, đối chiếu thực tế”. Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung thêm cụm từ “kiểm tra” vào tên Chương II, thành Quản lý, kiểm tra công trình quốc phòng và khu quân sự để phù hợp với nội dung đề xuất nêu trên.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Bá Nhịn, dự thảo Luật nên bổ sung thêm vào Điều 34, Chương 5 nội dung “Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân công dân phải có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ đầy đủ luật này và pháp luật có liên quan”.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng thống nhất với nội dung dự thảo Luật lần này. Bên cạnh đó, Công An Thành phố cũng góp ý về một số nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, về Điều 16 quy định về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự: Do đây là vấn đề có liên quan đến quỹ đất và quy hoạch nên tại Tờ trình dự án Luật cần tập trung phân tích, nêu rõ cơ sở ban hành các quy định về khoảng cách và có đánh giá tác động về kinh tế, ngân sách đối với các quy định này khi triển khai thực hiện.
Tại khoản 3 Điều 30 quy định về trách nhiệm của Bộ Công an “Tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng được giao theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị điều chỉnh thành “Tổ chức lực lượng bảo vệ vòng ngoài của các công trình quốc phòng, khu quân sự và tham gia giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự trong khu vực công trình quốc phòng và khu quân sự khi có yêu cầu” theo đúng chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an.
Bên cạnh đó, theo đại diện Công an Thành phố, điểm b khoản 1 Điều 24 của dự thảo Luật cần quy định, làm rõ về trường hợp được bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp khi bị thiệt hại do thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.