Gỡ khó cho công tác phát triển Đảng viên nữ dân tộc - Bài 2: Khó khăn trong việc tạo nguồn

Trong những năm gần đây công tác phát triển đảng viên nữ đã được cấp ủy các cấp vùng Tây Bắc đặc biệt quan tâm. Mặc dù vậy, tỷ lệ đảng viên nữ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn khiêm tốn, bởi nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Tỷ lệ đảng viên nữ thấp

Đã xác định vai trò quan trọng của đảng viên nữ người dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức cơ sở Đảng vẫn lúng túng khi chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để nâng tỷ lệ đảng viên nữ người dân tộc, nhất là thiếu nguồn.

Công tác phát triển Đảng vùng DTTS và miền núi tuy đã đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn còn một số nơi tỷ lệ đảng viên nữ ở cấp thôn, bản rất thấp, cá biệt có Chi bộ không kết nạp được đảng viên nữ. Nguyên nhân dễ nhận thấy là công tác bồi dưỡng cán bộ nữ còn hạn chế, có thể kể đến Chị bộ thôn Nâm Piên và Tân Thượng, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang); Chi bộ thôn Đại Thắng, xã Nà Chì, huyện Xín Mần (Hà Giang). Theo đồng chí Phàn Sành Phấu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, hiện Đảng bộ xã có 333 đảng viên, nhưng tỷ lệ đảng viên nữ DTTS chỉ chiếm khoảng 20%.

Nhiều phụ nữ khi đã lấy chồng bận rộn với công việc gia đình, không được gia đình ủng hộ, nên không còn động lực phấn đấu vào Đảng.

Là xã nằm dọc tỉnh lộ 177, nhưng tất cả 8 thôn, bản trong xã Nậm Ty đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Có thôn, bản tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60 - 70%. Kinh tế khó khăn kéo theo nhiều hệ lụy, khiến không tạo được “nguồn” tại những nơi này. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều tổ chức cơ sở Đảng ở các huyện Xín Mần, Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang)…

Nhìn tổng thể thì công tác phát triển Đảng ở huyện Hoàng Su Phì, 9 tháng năm 2017, Đảng bộ huyện kết nạp được 144 đảng viên, chỉ bằng 75% so với cùng kỳ năm trước, số lượng đảng viên nữ DTTS được kết nạp chỉ có 76 đảng viên mới. Nhưng tổng số đảng viên mới được kết nạp lại tập trung ở đối tượng là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, khối này chiếm 73/144 đảng viên mới. Trong khi đó, số đảng viên mới là người hoạt động chuyên trách cấp thôn, bản chỉ có 2 người; công nhân và người lao động trực tiếp không kết nạp được đối tượng nào.

“Yêu cầu để kết nạp Đảng là đối tượng có đủ điều kiện về trình độ, năng lực, phẩm chất…, nhưng trên thực tế, rất ít phụ nữ có đủ tiêu chuẩn để vào nguồn phát triển Đảng, nhất là phụ nữ lao động thuần nông”, đồng chí Nguyễn Duy Thập, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hoàng Su Phì thừa nhận.

Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên, công tác phát triển Đảng viên nữ được Tỉnh ủy Điện Biên đặc biệt quan tâm. Nhưng 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh mới kết nạp được 1.266 đảng viên, trong đó đảng viên nữ chỉ có 473 đồng chí. Cùng chung thực trạng như một số tỉnh miền núi trong vùng Tây Bắc, khó khăn lớn nhất trong công tác phát triển Đảng ở Điện Biên hiện nay là thiếu nguồn.

Do đó phát triển đảng viên nữ cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là trình độ văn hóa. Vẫn còn những chị em, đặc biệt là chị em DTTS ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà… không biết đọc, biết viết, thậm chí nhiều người còn không biết tiếng phổ thông.

Khá nhiều rào cản

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân khó khăn trong công tác phát triển viên nữ DTTS ở Chi bộ cấp thôn, bản là do đại đa số phụ nữ DTTS thường mang nặng tâm lý mặc cảm, tự ti; cá biệt còn có chị bị kẻ xấu xúi dục đã di cư tự do.

“Phụ nữ vùng cao chịu nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội học hành, ít tham gia công tác xã hội, thiếu uy tín trong cộng đồng dân cư. Rồi gia đình không muốn cho vào Đảng và nhận thức của bản thân đối tượng về Đảng còn hạn chế, nên không đưa vào nguồn kết nạp được”, đồng chí Nguyễn Văn Định, Bí thư Đảng ủy xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần (Hà Giang) chia sẻ.

Bên cạnh đó, cuộc sống người dân còn tồn tại một số tập tục lạc hậu, như bỏ học sớm, tảo hôn, sinh nhiều con, theo đạo trái phép, buôn bán ma túy... Nhiều phụ nữ khi đã lấy chồng bận rộn với công việc gia đình, không được gia đình ủng hộ, nên động lực phấn đấu bị “triệt tiêu”.

Thiếu tá Lã Quý Bằng, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Nhà kiêm Phó Bí thư Đảng ủy xã Na Tông, huyện Điện Biên (Điện Biên) cho biết: Mặc dù xã đã có Nghị quyết về công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào DTTS, nhất là phát triển đảng viên nữ, nhưng việc củng cố hệ thống chính trị, xóa bản trắng đảng viên ở Na Tông còn gặp nhiều khó khăn. Do tập quán, trình độ còn hạn chế, kinh tế khó khăn nên bà con vẫn chậm đổi mới tư duy nên rất khó tìm nguồn để phát triển Đảng.

“Xã Na Tông có 15 bản thì có tới 6 bản 100% đồng bào dân tộc Mông có điểm nhóm theo đạo, đó là các bản Sơn Tống A, Sơn Tống B, Gia Phú A, Gia Phú B, Hin Phon và Huổi Chanh. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán ma túy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư đảng viên và nhân dân địa phương trong xã khiến cho công tác phát triển Đảng gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Mường Nhà phối hợp với chính quyền xã tham gia bắt giữ 2 vụ buôn bán ma túy ở bản Sơn Tống A và Sơn Tống B với tang vật thu giữ là 250 gam ma túy và 16 tép heroin”, Thiếu tá Lã Quỹ Bằng cho hay.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hoàng Su Phì (Hà Giang), Nguyễn Duy Thập, một số chị em có biểu hiện tính toán trước khi có ý định vào Đảng. Đó là, nếu vào Đảng, được làm cán bộ ở địa phương, được Nhà nước chi trả lương hằng tháng và có cơ hội thăng tiến thì họ có động lực. Ngược lại, nếu là đảng viên bình thường, hàng tháng mất thời gian đi sinh hoạt và phải đóng Đảng phí… nên họ không quan tâm nhiều đến việc phấn đấu vào Đảng. Nguồn quần chúng ưu tú là nữ người DTTS không nhiều, trong khi yêu cầu công tác phát triển Đảng vẫn phải là chất lượng đã đặt các cho các chi bộ những tình thế khó xử.

Tâm lý “trọng nam, khinh nữ”, “vợ không thể tiến bộ hơn chồng” tồn tại ở nhiều địa bàn, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây cũng là rào cản không nhỏ khiến nhiều chi bộ không kết nạp được đảng viên là nữ. Đồng chí Nguyễn Duy Thập, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hoàng Su Phì, cho rằng: Do đời sống kinh tế khó khăn, đa số chị em mải làm kinh tế, chưa có điều kiện tham gia công tác xã hội.

Mặt khác, không ít Bí thư Chi bộ thôn, bản nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết của việc kết nạp đảng viên nữ, nên chưa chủ động, chưa tích cực tạo nguồn. Chất lượng hoạt động của các đoàn thể ở cơ sở hạn chế. Mặc dù huyện có nhiều cố gắng, nhưng công tác phát triển đảng viên là nữ người DTTS ở các chi bộ thôn, bản vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ở những xã vùng cao, biên giới, những nữ đảng viên trẻ như Vì Thị Thắm, bản Na Tông 1, xã Na Tông, huyện Điện Biên (Điện Biên) được học tập hết Trung học phổ thông rất ít.

Mặc dù công tác bình đẳng giới được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm và đã đạt những kết quả phấn khởi, nhưng không thể phủ nhận thực tế khoảng cách bình đẳng giữa nam và nữ vẫn còn khá xa, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Phụ nữ DTTS thường bị hạn chế về học tập, nhiều nơi phụ nữ kết hôn sớm, rồi sinh con, dẫn đến quá trình rèn luyện, phấn đấu bị ngắt quãng, không thường xuyên. Đây cũng là một trong những “nút thắt” khiến tỷ lệ đảng viên là nữ DTTS ở một số tỉnh Tây Bắc chưa cao.

Đồng chí Nguyễn Trung Tài, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Một số cấp ủy Đảng chưa thấy hết tầm quan trọng của đảng viên nữ. Thêm vào đó, một số cấp ủy viên, đảng viên còn tư tưởng cục bộ, hẹp hòi, chưa quan tâm, chú ý đến những quần chúng tích cực để bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp Đảng. Nhiều Đảng bộ xã mới chú ý đến phát triển đảng viên là giáo viên, cán bộ, công chức xã, mà ít quan tâm đến việc phát triển đảng viên nữ DTTS ở chi bộ nông thôn, miền núi...
 

Bài và ảnh: Viết Tôn - Trọng Thủy/Báo Tin Tức
Gỡ khó cho công tác phát triển Đảng viên nữ dân tộc - Bài 1: Khơi dậy khả năng nữ đảng viên dân tộc
Gỡ khó cho công tác phát triển Đảng viên nữ dân tộc - Bài 1: Khơi dậy khả năng nữ đảng viên dân tộc

Việc phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số trong thời gian qua ở vùng miền núi là một nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển đảng viên nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN