Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số

Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng các cấp, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên nhiều tổ chức cơ sở đảng ở Lào Cai đang lúng túng khi chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nâng tỷ lệ đảng viên nữ người dân tộc.

Công tác phát triển Đảng của các tổ chức cơ sở đảng khu vực nông thôn ở Lào Cai thường đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, số lượng phụ nữ người dân tộc thiểu số được kết nạp lại rất thấp, thậm chí là con số “0”. Chi bộ thôn Má Tra, xã Sa Pả (Sa Pa); Chi bộ thôn Tam Đỉnh, xã Sơn Thủy; Chi bộ thôn Hát Tình, xã Chiềng Ken (Văn Bàn)... nhiều năm không kết nạp được đảng viên nữ dân tộc thiểu số. Thậm chí, Chi bộ thôn Sín Chải thuộc Đảng bộ thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) từ trước đến nay chưa kết nạp được đảng viên nào là nữ người dân tộc thiểu số. 

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều tổ chức đảng ở các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên...  Huyện Bát Xát, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện kết nạp được 954 đảng viên, vượt 90% mục tiêu.

Đảng viên nữ huyện Mường Khương (Lào Cai) xuống đồng hướng dẫn bà con trồng trọt.

Tuy nhiên, số lượng đảng viên nữ dân tộc thiểu số được kết nạp thấp. Năm 2016, kết nạp được trên 100 đảng viên, trong đó cũng chỉ có 12 nữ đảng viên dân tộc thiểu số. “Yêu cầu để kết nạp Đảng là đối tượng có đủ điều kiện về trình độ, năng lực, phẩm chất..., nhưng trên thực tế, rất ít phụ nữ có đủ tiêu chuẩn để dự nguồn, phát triển Đảng”, đồng chí Bùi Quỳnh Liên, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bát Xát thừa nhận.  

Tâm lý “trọng nam, khinh nữ”; “vợ không thể tiến bộ hơn chồng” tồn tại ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là rào cản lớn. Ông Sền Quang Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, chia sẻ: “Phụ nữ vùng cao chịu nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội học hành, ít tham gia công tác xã hội, thiếu uy tín trong cộng đồng dân cư. Rồi gia đình không muốn cho vào Đảng và nhận thức của bản thân đối tượng về Đảng còn hạn chế, nên không đưa vào nguồn kết nạp được”.  

Điều đáng nói là không chỉ ở những xã vùng cao, mà đối với những xã vùng thấp, công tác này cũng gặp khó khăn. Tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, một xã có đại đa số đồng bào Tày sinh sống, Đảng bộ xã hiện có 145 đảng viên, thì chỉ có 35 đảng viên nữ. Theo đồng chí Hà Văn Thảo, Bí thư Đảng ủy xã, khó khăn chính là đa số phụ nữ có đủ điều kiện về trình độ văn hóa thường đi học tập tại các trường chuyên nghiệp; ra trường tìm việc làm ở thành phố hoặc thị trấn. Mặt khác, một số chị em không vượt qua được “rào cản” quan niệm lạc hậu để tiếp cận vai trò phụ nữ trong xã hội hiện đại, nên “an phận thủ thường”.

Thực tế ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, để làm tốt công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số, giải pháp hữu hiệu là thông qua chính những đảng viên nữ để tuyên truyền, vận động. Muốn vậy, trước hết phải có những đảng viên nữ làm “hạt nhân”, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng cao như đảng viên Lý Thị Sai, dân tộc Mông Xanh ở Nậm Xé (huyện Văn Bàn). Việc chị Sai vừa nỗ lực phấn đấu vào Đảng, sau đó giới thiệu thêm 9 nữ quần chúng ưu tú là người Mông Xanh để Chi bộ xem xét cử đi học tập, bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Hay đảng viên Sò Có Sớ, Chi bộ thôn Chỏn Thèn, xã Y Tý (huyện Bát Xát) vận động được quần chúng Lý Giá Sơ, Sần Thó Mơ phấn đấu vào Đảng...

“Để phát triển đảng viên nữ cả về số lượng và chất lượng, các tổ chức Đảng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng, trong đó có quần chúng là nữ người dân tộc thiểu số, tạo niềm tin và động cơ để quần chúng tích cực tham gia xây dựng Đảng và phấn đấu vào Đảng. Đề cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy viên các cấp, nhất là bí thư chi bộ thôn, bản; nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, qua thực tiễn ở cơ sở phát hiện, giới thiệu đoàn viên, thanh niên, hội viên, quần chúng ưu tú cho Đảng”, ông Nguyễn Chí Sử, Bí thư huyện Mường Khương cho biết.

Bài và ảnh: Minh Phúc/Báo Tin Tức
Người đảng viên dân tộc Nùng làm kinh tế giỏi
Người đảng viên dân tộc Nùng làm kinh tế giỏi

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Trương Văn Sy, dân tộc Nùng, ở xóm Tổng Sinh, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, 30 năm tuổi Đảng, đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh, doanh giỏi trên mảnh đất khô cằn của quê hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN