Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của Viện Huân chương, nay là Ban Thi đua – Khen thưởng trong suốt 70 năm qua.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Ngành Thi đua – Khen thưởng đã góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ phát triển đất nước; phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc toàn diện các nhiệm vụ; nghiên cứu, xây dựng tương đối hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Phó Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, ngành Thi đua – Khen thưởng cần vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm quý báu của các thời kỳ; tập trung đổi mới các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể; khen thưởng kịp thời các điển hình tốt, nhân tố mới; chú trọng công tác khen thưởng tại từng địa phương; tạo động lực thúc đẩy sự cống hiến trí tuệ, sức sáng tạo của từng cá nhân, tập thể trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Trước mắt, ngành cần sớm tổng kết đánh giá 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng để chính sách này của Nhà nước được thực hiện toàn diện, bao quát trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường bồi dưỡng phát hiện, tuyên truyền về các tấm gương để công tác thi đua, khen thưởng trở thành động lực tinh thần; tăng cường khen đột xuất cho tập thể, cá nhân; chú trọng khen thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhà khoa học, công nhân, nông dân, chiến sỹ, người lao động trực tiếp trong sản xuất, công tác, chiến đấu.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết: Ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 83/SL thành lập Viện Huân chương trực thuộc Chủ tịch phủ với nhiệm vụ nghiên cứu các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ, các hình thức khen thưởng của Nhà nước để trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện các chính sách, thể lệ đó.
Viện Huân chương còn có nhiệm vụ thẩm tra những đề nghị khen thưởng của các bộ, ngành, địa phương, đặc khu trực thuộc Trung ương để trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước xét quyết định khen thưởng; sản xuất, bảo quản, cấp phát, lưu trữ các hiện vật, hồ sơ khen thưởng, thu hồi hoặc đổi các hiện vật khen thưởng theo quy định.
Ngày 8/12/1987, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 223/NĐ-HĐBT, đổi tên Hội đồng Thi đua các cấp thành Hội đồng Thi đua và Khen thưởng; đổi tên Viện Huân chương thành Hội đồng Thi đua và Khen thưởng. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 25/8/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2004/NĐ-CP về việc thành lập Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, là cơ quan thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước; thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước, tổ chức các hoạt động thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Thực hiện chủ trương bộ đa ngành, đa lĩnh vực, từ ngày 8/8/2007, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chuyển về trực thuộc Bộ Nội vụ. Từ khi thành lập, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, các vụ chức năng, đơn vị, tổ chức để thực hiện tốt các nhiệm vụ mới do Đảng, Nhà nước giao.