Một trong những vấn đề nóng nhất được các cử tri Đà Nẵng nêu lên trong các buổi tiếp xúc đó là vừa qua, đó là Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận về một số sai phạm của một số lãnh đạo tại các tỉnh, thành phố, đơn vị; trong đó có Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và một số lãnh đạo của thành phố.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, tin tưởng quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc điều tra, phát hiện, xử lý cán bộ, góp phần chống tham nhũng trong thời gian gần đây. Cử tri cũng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng; trong đó, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham nhũng. Một số cử tri đề nghị, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng để xử lý triệt để những sai phạm…
Bên cạnh đó, nhiều cử tri cũng đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường kiểm tra, giám sát việc lấn sông, lấn biển của nhà đầu tư khi triển khai thực hiện các dự án; giải quyết chế độ chính sách cho bộ đội xuất ngũ, gia đình liệt sĩ; giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất quốc phòng tại các địa phương…
Đa số các cử tri cho rằng, cần quyết liệt điều tra, đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm những người tiếp tay để làm chế độ chính sách thương bệnh binh không đúng quy định của Nhà nước.
Một số cử tri bày tỏ bức xúc về các vấn đề dân sinh tại địa phương như: Trạm phát sóng nằm trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; một số tuyến đường bị thắt nút cổ chai gây cản trở giao thông...
Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến của cử tri, giải đáp vấn đề thuộc thẩm quyền. Đối với những kiến nghị khác của cử tri, Đoàn sẽ tổng hợp, phản ánh đến Quốc hội trong kỳ họp tới.
Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng cũng đã tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, công chức làm công tác tham mưu giải quyết tố cáo của thành phố để lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Luật Tố cáo. Nhiều ý kiến đề xuất nên mở rộng hình thức gửi đơn qua thư điện tử (email), qua bưu điện hoặc các hình thức khác thay vì dự thảo luật chỉ quy định 2 hình thức tố cáo truyền thống là bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp…
Một số đại biểu cũng cho rằng, quy định rõ việc cần xử lý cán bộ có thẩm quyền giải quyết tố cáo sai trước rồi mới xử lý cán bộ tham mưu sai. Hiện nay các cơ quan, đơn vị đều thực hiện tinh giản 10% biên chế cho đến năm 2021, điều này sẽ gây khó khăn trong việc bố trí cán bộ có chuyên môn sâu làm công tác tham mưu, giải quyết tố cáo…
*Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam
đã tiếp xúc cử tri tại 6 huyện, thành phố để thông báo nội dung chương
trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị
của cử tri.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tiếp xúc cử tri phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN |
Tại các điểm tiếp xúc, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Đồng tình với dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp, cử tri cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất nhiều ý kiến với Quốc hội.
Cử tri xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam kiến nghị về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước cần phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương trong việc tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cơ chế, chính sách tuyển dụng đối với giáo viên các cấp; quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách với người có công…
Cử tri xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam mong muốn có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…Cử tri phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đề nghị cần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, khu công nghiệp, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng.
Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã giải trình một số vấn đề, nội dung thuộc thẩm quyền; đồng thời tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo với Quốc hội và Chính phủ xem xét, giải quyết.