Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Tại các cuộc tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân đã thông báo tới toàn thể cử tri về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV; kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ 9 tháng năm 2017.
22 cử tri tại hai phường nêu ý kiến về các vấn đề như: Bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác phòng chống tham nhũng; trạm thu phí BOT; quy hoạch treo gây lãng phí; bảo hiểm y tế; việc làm cho sinh viên sau khi ra trường…
Lắng nghe các ý kiến của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, những vấn đề mà cử tri nêu ra đều là những vấn đề xác đáng, được xã hội quan tâm, có những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh…
Nhất trí với ý kiến cử tri Trần Thanh Hoàng, phường Phú Thứ cho rằng, thực tế hiện nay vẫn còn "quy hoạch treo", gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đời sống nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong nhiệm vụ chức năng của mình, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ 3 để dự án Luật Quy hoạch để tránh tình trạng gây lãng phí ảnh hưởng nguồn lực tài nguyên đất đai và đời sống của người dân.
Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá ý kiến của cử tri phường Phú Thứ về vấn đề phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường là xác đáng. Quan điểm này không chỉ liên quan đến Nhà máy giấy Lee&Man tại Hậu Giang mà cử tri nêu lên. Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường giám sát chặt chẽ hơn quy trình sản xuất của doanh nghiệp trên quan điểm nếu để xảy ra vi phạm dứt khoát không cho sản xuất.
Một số cử tri của hai phường đã nêu ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng, trong đó có vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Cử tri phường Hưng Lợi đánh giá, công tác này đã đạt được một số kết quả; đồng thời nêu ý kiến về cơ chế ngăn chặn nguy cơ xảy ra tham nhũng…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vừa qua, một số vụ án tham nhũng điển hình đã được đưa ra xét xử, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công khai kết luận, tạo niềm tin trong nhân dân. Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng để chế tài đủ sức răn đe. Cùng với đó, Bộ Luật Hình sự có điều khoản quy định chế tài nghiêm khắc. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác này. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa ra ánh sáng một số vụ án tham nhũng và công tác này vẫn được tiếp tục.
Về các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, cử tri Trần Thanh Long, phường Phú Thứ cho rằng, nguồn vốn BOT chỉ áp dụng với xây dựng mới chứ không áp dụng đối với nâng cấp, sửa chữa đường bộ. Thời gian qua, nhiều dự án BOT gây bức xúc trong thu phí, cử tri đề nghị kỳ họp tới Quốc hội đưa vấn đề này ra bàn bạc.
Giải đáp ý kiến của cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vấn đề này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát và sẽ được đưa ra cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tới. Tuy nhiên, không có quy định các dự án BOT không được đầu tư nâng cấp tuyến đường có sẵn. Theo Chủ tịch Quốc hội, trọng tâm của vấn đề này cần tập trung giải quyết nút thắt là thu phí ở mức nào và thời gian thu phí trong bao lâu tại các trạm thu phí BOT.
Sau giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy có sai phạm trong một số dự án BOT về giao thông, từ đó đề nghị Quốc hội cần luật hóa quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sẽ tiếp thu tất cả những kiến nghị của cử tri về vấn đề này và cho biết thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đưa chủ trương đầu tư BOT đi đúng hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng của đất nước, huy động các nguồn vốn xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là cần thiết khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp.
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã giải đáp về sản xuất nông nghiệp hiện nay, làm thế nào để người nông dân, trong đó có bà con vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long có cuộc sống ngày càng khá lên, có tích lũy, phát triển sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Từ mục tiêu này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong định hướng thị trường cung cầu nông sản nhằm tránh điệp khúc “được mùa, mất giá”; việc phát huy giá trị những loại hàng hóa nông sản, trong đó có những loại quả đặc sản của Việt Nam xuất khẩu; công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông sản chất lượng cao, đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu tăng giá trị…
Theo Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của cử tri về chiến lược quy hoạch nông sản sạch là cần thiết và hợp lý. Theo đó, phải có cơ chế khuyến khích hơn nữa để doanh nghiệp đầu tư chế biến, bảo quản nông sản. Thực tế, Nhà nước có cơ chế khuyến khích về thuế, đất đai nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp còn tập trung vào kinh doanh lĩnh vực có khả năng sinh lời nhanh, sinh lời cao còn đầu tư cho nông dân hiện đã có nhưng chưa nhiều, chưa đủ mạnh.