Trên thế giới, không ở đâu lại nhiều nghĩa trang liệt sỹ như nước ta. Cuộc chiến tranh vệ quốc chống kẻ thù xâm lược kéo dài và khốc liệt trong nhiều thập kỷ đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người, trong đó có các anh hùng liệt sỹ. Đài tưởng niệm được dựng lên là để tưởng nhớ và tri ân những người con đã bỏ mình vì nền tự do, độc lập của Tổ quốc.
Tùy thuộc vào khả năng kinh tế của địa phương và trình độ của người thiết kế, mỗi đài tưởng niệm có quy mô, hình thức khác nhau. Nhưng đài tưởng niệm liệt sỹ cấp huyện như của Đan Phượng (Hà Nội) thì hiếm nơi nào có được. Bởi đây không chỉ là công trình mang tính tâm linh, mà còn là một quần thể kiến trúc - công viên - văn hóa phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.
1. Đan Phượng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều bậc kỳ tài như Thi Sách, Tô Hiến Thành. Trong kháng chiến chống Pháp, nói đến Đan Phượng là nhớ đến nhà thơ Quang Dũng với bài thơ “Tây Tiến” nổi tiếng. Trong chiến tranh chống Mỹ xâm lược, Đan Phượng là cái nôi của cây gậy Trường Sơn, của phong trào Ba Đảm Đang đã đi vào lịch sử. Hàng ngàn người con của Đan Phượng đã lên đường đi đánh giặc, hay dũng cảm chiến đấu ngay tại quê hương. Và rất nhiều người trong số đó đã hy sinh vì Tổ quốc. Xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ huyện Đan Phượng có ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện lòng tri ân các Anh hùng liệt sỹ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất Chim Phượng đỏ.
Tổng thể Đài tưởng niệm liệt sỹ huyện Đan Phượng (Hà Nội). |
Dự án xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ, trong đó có nhà truyền thống, thư viện và công viên cây xanh… của huyện Đan Phượng do Công ty cổ phần Kiến trúc đô thị Việt Nam, thuộc Hội KTS Việt Nam làm tư vấn thiết kế, dưới sự chủ trì của KTS Vũ Bình, Giám đốc công ty.
Trên diện tích rộng hơn 24.375 m2, dự án được chia làm ba khu vực. Khu vực 1 (11.000 m2), gồm Đài tưởng niệm liệt sỹ và nhà bia. Khu vực 2 (5.280 m2) gồm nhà truyền thống. Khu vực 3 (7.995 m2), gồm thư viện và đồi cây. Ngoài các hạng mục chính, dự án còn có các công trình phù trợ như cổng, hàng rào, nhà đợi, hồ nước có đài phun, cầu dẫn, sân bãi đỗ xe, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ…
Tổng mức đầu tư của dự án là 104 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách của thành phố Hà Nội là 70%, phần còn lại là ngân sách của huyện và nguồn xã hội hóa.
2. Theo KTS Vũ Bình, Đài tưởng niệm được xây dựng nhằm tôn vinh truyền thống anh hùng của dân tộc nói chung và Đan Phượng nói riêng, để tri ân các Anh hùng liệt sỹ và giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nhưng nơi đây còn có chức năng của một công viên văn hóa, nơi tham quan, giải trí của nhân dân. Vì thế, công trình tuy trang nghiêm, hoành tráng, nhưng thân thiện. Kiến trúc công trình theo hình thức kiến trúc dân tộc, nhưng không nệ cổ, mà vẫn thể hiện được tính hiện đại. Đến đây, mỗi người chúng ta không chỉ tưởng nhớ, mà như thấy các liệt sỹ luôn gần gũi, có mặt trong cuộc sống hôm nay.
Từ cổng chính, qua bậc tam cấp vào sân tiền lễ, khách có thể đi một vòng sân, hay đi qua cây cầu dẫn lát đá có hình cong như cánh diều, bắc qua hồ nước rộng 1.500 m2, để bước lên 17 bậc thềm đá lên sân hành lễ. Từ đây lên tiếp 9 bậc là khu kỳ đài, chính giữa là Đài tưởng niệm cao 13,02 m, được dựng trên bệ hình vuông mỗi cạnh 13 m. Đài được đặt chính giữa bệ, có kích thước 5,7m x 5,7m, với 4 trụ vuông 1,8m x 1,8m bằng bê tông cốt thép, ngoài ốp đá granit màu xám vươn lên đỡ bộ mái dốc, đầu mái uốn cong, lợp ngói mũi hài. Bốn phía là bốn vòm cửa, trên khắc chìm 5 đường âm dán đồng lá dày 0,2 mm, bên trong Đài đặt bia tưởng niệm bằng đá khắc dòng chữ “Tổ quốc ghi công” và một lư hương bằng đồng cao 1,7 m. Làm nền phía sau Đài tưởng niệm là một bức phù điêu có kích thước lớn bằng bê tông cốt thép ốp đá, mang hình tượng những lá cờ bay, trên đó khắc họa các hình ảnh tiêu biểu về lịch sử đấu tranh và xây dựng qua các thời kỳ của nhân dân Đan Phượng. Đài tưởng niệm và bức phù điêu đã tạo nên một khối kiến trúc điêu khắc hoành tráng và đầy cảm xúc. Hai bên phải và trái Đài tưởng niệm là hai nhà bia có kích thước 27 m x 7,2 m. Nhà bia thiết kế có dáng một ngôi đình Bắc bộ với 9 gian, gồm 72 cột tròn bằng gỗ đặt trên bệ đá, đường kính hơn 0,4 m theo kiểu “Thượng thu, hạ thách”. Bên trong nhà bia đặt 16 tấm bia đá ghi danh các liệt sỹ của 16 xã trong huyện.
Nhà truyền thống có diện tích sàn 530 m2, đặt thấp hơn Đài tưởng niệm 5 bậc thềm. Công trình thiết kế một tầng bằng bê tông cốt thép, mái dốc đa chiều, lợp ngói. Chung quanh trồng cây xanh để lấy bóng mát và đặt một số ghế đá cho khách dừng chân. Nhà truyền thống là công trình mang phong cách kiến trúc dân tộc, tỷ lệ hợp lý, hài hòa với cảnh quan chung quanh, chi tiết đơn giản nhưng khúc chiết và đa nghĩa.
Nhà thư viện được thiết kế hai tầng, diện tích sàn hơn 790 m2, nằm bên trái công viên, có diện tích gần 8.000 m2. Đối diện công trình là cụm kiốt bán hàng giải khát và đồ lưu niệm. Phía sau nhà thư viện là công viên cây xanh, mà nổi bật là ngọn đồi ba đỉnh đắp bằng đất, trồng cỏ và cây xanh. Độ cao của mỗi đỉnh là 9 m, 115 m và cao nhất là 15 m, tương đương với chiều cao của tòa nhà ba tầng. Đồi ba đỉnh và công viên là điểm nhấn kiến trúc kết thúc khu Đài tưởng niệm, đồng thời như tấm bình phong xanh ngăn cách với Bệnh viện huyện nằm sát phía bắc công trình. Du khách lên các đỉnh đồi theo những đường mòn ven triền đồi. Trên đỉnh đồi có trạm nghỉ chân. Từ đây, khách tham quan có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Phùng xinh đẹp đang từng ngày thay da đổi thịt. Trong quy hoạch không gian Đài tưởng niệm, Đồi ba đỉnh là một sáng tạo thành công của tác giả dựa trên ý tưởng của Phó Chủ tịch Đan Phượng Bùi Xuân Sách về mặt phong thủy và nghệ thuật cảnh quan.
Dự án Đài tưởng niệm liệt sỹ đã chính thức đưa vào sử dụng ngay sau lễ khánh thành vào ngày 22/7/2012, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2012), trong sự xúc động và phấn khởi của nhân dân Đan Phượng.
3. Một ngày đầu năm mới, tôi có dịp trở lại thị trấn Phùng để ghé thăm Đài tưởng niệm. Sau 5 tháng đưa vào sử dụng, những hàng cây trồng nơi đây đã bén rễ xòe cành, trổ lá xanh mơn mởn. Nhìn bao quát tổng thể khu vực, thấy rõ sự hợp lý trong bố cục không gian, sự chuyển tiếp mạch lạc theo chủ đề giữa công trình chính và công trình trung gian; giữa công trình trung gian và công trình phụ; giữa công trình và cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa… của nhà kiến trúc. Tất cả như hòa quyện vào nhau để tạo nên một thể thống nhất của một công trình tưởng niệm-công viên- văn hóa.
Cuối đông, trời vẫn còn lạnh. Ánh mặt trời dìu dịu như dát vàng trên sân hành lễ, làm mái Đài tưởng niệm, mái nhà bia, nhà truyền thống… càng thêm thắm đỏ. Đây đó trong công viên nhiều người đang đi dạo. Trên cầu đá bắc qua hồ phun nước, vài cô gái cười tươi, tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm. Tôi chợt lặng đi khi nghe đâu đây một giọng ca quen thuộc của những năm 70, giọng hát của nghệ sỹ Quốc Hương: “Đan Phượng ơi, quê hương người gái đảm/Đồng hợp tác xanh tươi cấy cày thẳng tắp/Anh phi công bàng hoàng, ngỡ mình bay trên gấm vóc…”.
Vâng, để có một Đan Phượng gấm vóc như hôm nay, biết bao máu xương của các thế hệ đã đổ xuống mảnh đất này. Và Đài tưởng niệm liệt sỹ của Đan Phượng, một công trình kiến trúc đẹp có giá trị nghệ thuật, chính là biểu tượng cho sự hy sinh bất tử ấy.
Thị trấn Phùng, đầu năm 2013
Bài và ảnh:KTS Phạm Thanh Khuê