Cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhiều đại biểu tán thành với quan điểm rất mới, mang tính chiến lược lâu dài được thể hiện trong dự thảo Luật là trường đại học có thể chuyển thành đại học, các trường đại học có thể liên kết với nhau để trở thành đại học. Với cách như vậy có thể sớm có trường đại học mạnh, đạt chuẩn mực khu vực và quốc tế. Quy định hai cấp độ tổ chức trong hệ thống đại học là bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống giáo dục đại học đóng, khép kín, tĩnh sang một mô hình động, linh hoạt hơn, đảm bảo cho việc phát triển đại học thành những trường đa lĩnh vực, quy mô lớn, mạnh…
Phát biểu dưới góc nhìn của một người đã từng công tác trong ngành, “một thầy giáo già quá tuổi nghỉ hưu” như ông tự nhận, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung khái niệm “chủ sở hữu” vào quy định cơ sở giáo dục đại học. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi chủ sở hữu là người đề xuất và được chấp nhận lập đại học, là người đầu tư cho đại học phát triển nhưng phải là người có quyền quyết định nhân sự. Chủ sở hữu mà không được quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ vận hành đại học theo hướng khác nên cần có khái niệm "chủ sở hữu". Với đại học tư thục cũng vậy.
“Chủ sở hữu có 4 quyền: quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật. Nếu không làm rõ vấn đề này sẽ thấy đại học như không có chủ, đây là điều rất nguy hiểm. Không thể có đại học vô chủ”, đại biểu nói.
Góp ý vào dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn vẫn là cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân quy định tại Điều 25 dự thảo Luật. Trong khi có ý kiến cho rằng với những cải tổ trong bộ máy ngành Công an hiện nay thì việc Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có trần quân hàm Thiếu tướng là hợp lý và cần thiết nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thực sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức kinh nghiệm thực tế từ địa phương thì cũng có đại biểu đặt câu hỏi “Hàm tướng có cần thiết số lượng nhiều như thế?”.
Theo đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), ngoài các đơn vị hành chính loại 1, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố tại một số địa phương có vị trí chiến lược phức tạp và quan trọng về an ninh trật tự cũng nên có bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Đại biểu đề nghị tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho đồng bộ với Luật Công an nhân dân.
Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Văn Được (đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu quan điểm phong tướng để cầm gậy chỉ huy quân, không nhất thiết Giám đốc Công an tỉnh nào loại 1 cũng phải phong tướng...
Nhiều ý kiến cho rằng lấy tiêu chí đơn vị hành chính loại 1 để quy định cấp bậc hàm cao nhất với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là chưa sát với chức năng của lực lượng Công an đang đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiêu chí này chỉ là tương đối. Thực tế nhiều tỉnh không được xếp là đơn vị hành chính loại 1 nhưng có vị trí chiến lược về an ninh trật tự, người đứng đầu của lực lượng Công an những tỉnh này cần có cấp bậc hàm tương đương như bậc hàm của các tỉnh xếp loại đơn vị hành chính loại 1 để thực hiện nhiệm vụ.