Theo đại biểu Trần Hồng Hà, cần nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. Khi thiết kế đô thị, quan trọng nhất là mỗi đô thị mang đặc trưng về địa hình khác nhau, phải dự báo được tính cực đoan của thời tiết và tính được số lượng dân cư sử dụng để có một hệ thống đáp ứng được nhu cầu. Dự báo không phải hàng năm, mà có những vấn đề cực đoan 20-30 năm hay 50 năm mới xảy ra một lần, cũng phải được tính đến và có phương án. Việc này có ý nghĩa trong việc thiết kế cơ sở hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm hay giao thông bề mặt.
Dẫn chứng bài toán độ cao của các khu vực để thiết kế hệ thống thoát nước ngầm trong những đô thị phát triển, đại biểu Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc này cần có tầm nhìn để khu vực đó có thể thoát nước tự nhiên. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc, thiết bị nhưng cần hạn chế. Đặc biệt, trường hợp thời tiết cực đoan phải tính toán hệ thống trữ nước.
Nêu kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Trần Hồng Hà cho biết nhiều khu vực ở quốc gia này bố trí nhiều đường ngầm ở dưới, gọi là hầm chứa lớn, vừa giữ lượng nước để có thể tưới cây khi hạn hán, vừa trở thành nơi chứa nước khi ngập úng xảy ra. Theo đại biểu Vĩnh Phúc, giải pháp này dù “đắt đỏ”, song quan trọng hơn cả là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng phải đồng bộ.
Về vấn đề rất nhiều cao ốc ở vùng lõi Hà Nội hiện nay có là nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng, ngập ở thành phố, đại biểu Trần Hồng Hà cho rằng “có ảnh hưởng” và lý giải: Khi dân số tăng lên thì hạ tầng cũng phải hạ tầng tăng lên.
“Tôi muốn nói là hạ tầng tiêu thoát nước phải tính toán. Lượng nước mưa trong thời tiết cực đoan cũng phải tính toán. Tính toán đồng bộ cơ sở hạ tầng để đáp ứng được quy mô dân số, xử lý được lượng nước thải và nước mưa”, đại biểu nhấn mạnh.
Cho rằng công tác quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia dưới góc độ hệ thống pháp luật, đại biểu Siu Hương (Gia Lai), đánh giá việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch đã đạt được những kết quả bước đầu cả về hệ thống pháp luật và khâu tổ chức thực hiện.
Sau hơn 3 năm triển khai thi hành Luật Quy hoạch, hệ thống khung pháp lý về kỹ thuật đã bước đầu được hoàn thiện để triển khai công tác lập, thẩm định, quyết định phê duyệt quy hoạch từ quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch địa phương. Tuy nhiên, công tác quy hoạch sẽ đạt kết quả cao hơn nếu như những tồn tại, hại chế ít đi- đại biểu Siu Hương nhấn mạnh.
Theo đại biểu Siu Hương, để nâng cao hơn kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn về các nội dung liên quan đến quy hoạch, quy trình lập quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, quản lý, thanh quyết toán quy hoạch xuyên suốt… Bên cạnh đó, cần làm tốt việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, xác định rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; cần có hướng dẫn bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với vấn đề này, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc quản lý hành chính, quản lý theo thẩm quyền, quản lý theo phân cấp thẩm quyền.