Để thông tin hai chiều về phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành cũng như đánh giá cách điều hành của chủ tọa, chất lượng ý kiến thảo luận của đại biểu, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận ý kiến của cử tri Thái Nguyên và Đồng Nai.
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm
Theo dõi phiên thảo luận diễn ra trong sáng 30/5, cử tri Đặng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao cách thức thảo luận tại kỳ họp này về phương thức và chất lượng, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để làm rõ nội dung và những vấn đề đặt ra trong phiên thảo luận.
Đối với việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát về Luật Quy hoạch, cử tri Đặng Văn Huy đánh giá cao vì đây là một vấn đề mang tính thời sự. Việc giám sát nhằm đánh giá toàn diện, khách quan quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Cử tri Đặng Văn Huy nêu quan điểm, việc lập Quy hoạch tỉnh có vai trò và tầm quan trọng trong sự phát triển tổng thể của tỉnh Thái Nguyên cũng như các địa phương khác trong cả nước. Thái Nguyên hướng đến mục tiêu năm 2030 phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Đến thời điểm này, Thái Nguyên là một trong những địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cơ bản đã tổng hợp ý kiến thẩm định của các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia phản biện về nội dung quy hoạch. Theo đó, sau khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch Quốc gia, hồ sơ Quy hoạch tỉnh sẽ tiếp tục được thông qua tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh và sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với việc xây dựng quy hoạch của các địa phương trong cả nước nói chung, cử tri Đặng Văn Huy kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng để các tỉnh có căn cứ sớm xây dựng quy hoạch.
Cử tri Nguyễn Văn Trung, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên nêu quan điểm đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn vốn; khó khăn về đơn vị tư vấn… dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp. Cử tri cũng nhất trí với ý kiến đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể Quốc gia vì đây sẽ là nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối hệ thống quy hoạch trong cả nước.
Cần thời gian và công sức nhiều hơn
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - Kinh tế quốc tế, Trường đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), Quốc hội đã có tư duy phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay, người dân hài lòng về việc công khai công tác giám sát của Quốc hội về Luật Quy hoạch. Đặc biệt, đã đưa "đúng" và "trúng" về hiện trạng quy hoạch hiện nay vào chương trình làm việc. Cử tri cũng đánh giá cao phương pháp và kết quả làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội qua báo cáo sáng 30/5, chỉ rõ những ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân trong thực thi pháp luật về quy hoạch.
Cử tri Nguyễn Văn Tân cho rằng, báo cáo đã chỉ rõ cán bộ làm quy hoạch còn chưa đáp ứng yêu cầu, nguyên nhân do chưa được đào tạo và ở Việt Nam chưa có ngành đào tạo này. Mặc khác, báo cáo chỉ rõ lãnh đạo giao khoán hết cho tư vấn quy hoạch là chưa tốt, một tư vấn lại tư vấn nhiều quy hoạch là bất cập. Ông Nguyễn Văn Tân đánh giá chất lượng giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội thông qua báo cáo là phù hợp và sát thực tế hiện trạng của Việt Nam hiện nay về công tác quy hoạch cả ở tầm Trung ương, vùng, ngành và tầm tỉnh/thành phố.
Qua phần trao đổi của các đại biểu Quốc hội đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Giang…, thể hiện rõ sự quan tâm công tác quy hoạch ở nhiều địa phương. Các đại biểu đi sâu vào nội dung đòi hỏi về công tác quy hoạch của địa phương mình, bổ sung thực tế sâu hơn, làm rõ nét thêm cho báo cáo của Đoàn giám sát.
Theo cử tri Nguyễn Văn Tân, công tác quy hoạch theo yêu cầu tích hợp là một vấn đề khó và mới ở Việt Nam. Do đó, công tác này cần thời gian và công sức mới mong đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cũng như mong đợi của nhân dân.