Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật quy hoạch
Bày tỏ sự đồng tình với nội dung Báo cáo, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành cũng như sự nỗ lực, cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch.
Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc lập, triển khai quy hoạch, đã phê duyệt được 110/111 nhiệm vụ lập quy hoạch đối với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, đảm bảo về trình tự, nội dung theo quy định của pháp luật quy hoạch.
Việc lựa chọn, tư vấn và bố trí kinh phí cho việc lập quy hoạch rất linh hoạt và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tiếp tục được lập, thẩm định và phê duyệt theo pháp luật của quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và đất đai, đáp ứng và phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị, nông thôn cũng như các khu chức năng khác.
Việc rà soát quy hoạch hết hiệu lực và loại bỏ quy hoạch sản phẩm được thực hiện nghiêm túc. Việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được quan tâm vận hành từ năm 2018. Theo đại biểu Trần Văn Tiến, với những kết quả đạt được, có thể khẳng định Luật Quy hoạch năm 2017 có tính khả thi, từng bước khắc phục được những hạn chế, bất cập đối với hệ thống quy hoạch trước đây.
Về hạn chế, theo đại biểu, Báo cáo đã chỉ ra tương đối toàn diện về những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch như việc lập quy hoạch chậm triển khai và tiến độ lập quy hoạch chậm so với Nghị quyết của Chính phủ. Luật Quy hoạch còn nhiều vướng mắc, các văn bản pháp luật về quy hoạch chậm được ban hành, nội dung còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo; quy hoạch cấp dưới lập trong khi quy hoạch cấp trên chưa được lập hoặc đang lập, gây khó khăn.
Đồng tình với hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Trần Văn Tiến kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ lập quy hoạch và các tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chậm nhất đến ngày 31/12/2022 phải hoàn thành theo tinh thần nghị quyết của Chính phủ.
Trước mắt, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo cho việc quản lý thực hiện quy hoạch đúng pháp luật; chỉ đạo Hội đồng thẩm định quy hoạch quốc gia đẩy nhanh tiến độ thẩm định giúp cho các quy hoạch sớm trình phê duyệt theo quy định.
Về dài hạn, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật quy hoạch, đặc biệt là việc sửa đổi Luật Quy hoạch tích hợp pháp luật quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vào Luật Quy hoạch đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động quy hoạch.
Tìm lời giải cho bài toán về quy hoạch tích hợp
Đồng tình với đại biểu Trần Văn Tiến, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, cầu thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Quốc hội những giải pháp tình thế cấp bách để đẩy nhanh việc thực hiện Luật Quy hoạch.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Xuân ghi nhận Quốc hội đã lựa chọn chuyên đề giám sát về Luật Quy hoạch, cho rằng đây là một chuyên đề giám sát mang tính thời sự rất cao. Đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Đoàn giám sát, của Quốc hội đã đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan; khẳng định đó là điều kiện, là tiền đề để Chính phủ, Quốc hội xem xét lại một cách nghiêm túc, căn cơ việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch.
Cùng với những kết quả đã đạt được, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng bày tỏ trăn trở về những tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch: "Tại sao việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực còn chậm và còn nhiều vướng mắc? Hay nói cách khác là tại sao công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch lại chậm và có nhiều vướng mắc như vậy? Không trả lời được câu hỏi này thì mọi giải pháp đều không căn cơ, đều nửa vời, thậm chí có thể phát sinh thêm những vướng mắc mới", đại biểu đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, Luật Quy hoạch năm 2017 có xu hướng tích hợp các loại quy hoạch phi vật thể và quy hoạch vật thể với hàng trăm loại quy hoạch khác nhau. Mỗi loại quy hoạch có phạm vi, đối tượng, nội dung, phương pháp, kết quả nghiên cứu và hình thức thể hiện khác nhau; trình tự, thủ thực hiện khác nhau, phân công, phân cấp quản lý, thời hiệu, hiệu lực khác nhau, từ đó hình thành một loại quy hoạch tích hợp, do đó qua quá trình thực hiện đã cho thấy sự bất cập, không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi.
Cùng với đó, đại biểu Xuân cũng nêu hàng loạt câu hỏi về vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình quy phạm trong việc thực hiện lập quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì để xây dựng, công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho quy hoạch theo Luật Quy hoạch? Nguồn nhân lực nào để thực hiện lập loại quy hoạch tích hợp này? Đã có trường nào đào tạo chuyên môn về quy hoạch tích hợp này chưa và ai, ngành quy hoạch nào được coi là kiến trúc sư chủ trì đồ án quy hoạch tích hợp này?
Đại biểu nhấn mạnh, đây là những vấn đề lớn về mặt khoa học, chưa có lời giải tường minh, về mặt thực tế và pháp lý cũng còn rất nhiều mâu thuẫn, bất cập, khó khăn khi thực hiện. Từ những thực tiễn cấp bách đặt ra và qua bài toán cần lời giải như trên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất Chính phủ, Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu, tiến tới sửa đổi Luật Quy hoạch và các luật có liên quan càng sớm càng tốt để công tác quy hoạch hoàn thành sớm nhất với chất lượng tốt nhất.
Thu hút đầu tư nhanh vào những khu vực quy hoạch chức năng công cộng
Qua quá trình tham gia giám sát cùng với việc tổng hợp những kiến nghị của cử tri tại địa phương, đại biểu Hà Phước Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch.
Theo đại biểu Hà Phước Thắng, hiện nay trong công tác quy hoạch, bên cạnh việc áp dụng Luật Quy hoạch phải tuân thủ các quy định của luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, giữa các luật này còn có các quy định chưa đồng bộ.
"Khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị về đất ở có khái niệm phân loại gồm: đất ở hiện hữu, đất ở hiện hữu chỉnh trang, đất ở hiện hữu cải tạo, đất ở hiện hữu kết hợp xây dựng mới, đất ở liên kế hoặc biệt thự, đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, đất ở xây dựng mới thấp tầng hoặc cao tầng, đất ở đô thị dự kiến xây dựng mới... Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chỉ tiêu các phân loại đất không đồng bộ. Trong quy hoạch đô thị có chỉ tiêu đất công viên cây xanh nhưng quy hoạch sử dụng đất gom đất công viên cây xanh vào đất vui chơi giải trí công cộng. Trong quy hoạch đô thị có nhóm đất hỗn hợp nhưng quy hoạch sử dụng đất lại không có...", đại biểu nêu ví dụ, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần rà soát để bổ sung, sửa đổi các luật có liên quan đến công tác quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi.
Cũng theo đại biểu Hà Phước Thắng, hiện nay theo Luật Đất đai, người sử dụng đất nằm trong quy hoạch là đất ở nông thôn hoặc đất ở đô thị thì những người sử dụng đất đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm và được chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn các tỉnh, thành phố, theo quy hoạch phân khu hay quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị, thì về đất ở đã có phân loại: đất ở hiện hữu, đất ở chỉnh trang, đất ở xây dựng mới, đất ở xây dựng dài hạn, ngắn hạn, đất ở hỗn hợp, trong đó đất ở xây dựng mới thuộc khu vực lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại khu vực dự kiến phát triển đô thị. Do đó, khi giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở đối với trường hợp này gặp nhiều khó khăn. Đại biểu cho rằng cần sớm có quy định để đồng bộ các khái niệm về chức năng đất được quy hoạch giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch sử dụng đất để thống nhất làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các tiêu chí sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Phước Thắng đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách thu hút nhiều nguồn đầu tư để đầu tư nhanh vào những khu vực quy hoạch chức năng công cộng như công viên, trường học, bệnh viện để quy hoạch sớm được thực thi, tạo thêm nhiều thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn và sớm ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực có quy hoạch các công trình quan trọng nêu trên.