Cử tri Trần Văn Tuấn, xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng cho hay, hiện nay xuất khẩu lao động đang là hướng đi khá hiệu quả ở nhiều địa phương. Con số hơn 10 triệu lượt người Việt ra nước ngoài lao động và học tập trong năm 2023 được Bộ Ngoại giao cung cấp là rất đáng mừng. Đây là minh chứng thể hiện quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước ngày càng gắn bó, bền chặt. Đây còn là điều kiện hết sức thuận lợi để một bộ phận lao động Việt Nam tiếp thu tác phong làm việc chuyên nghiệp, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ tay nghề ở các nước phát triển để giúp ích cho quê hương, đất nước khi trở về.
Tuy nhiên, một số khu vực trên thế giới đang xảy ra tình trạng xung đột khiến công dân đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Không ít trường hợp công dân, nhất là ở vùng giáp biên vẫn bị các đối tượng xấu dụ dỗ đi lao động ở nước ngoài trái phép. Nhiều công dân đăng ký đi xuất khẩu lao động qua các trung tâm, công ty mô giới, đào tạo, xuất khẩu lao động tiềm ẩn rủi ro lớn... Do đó, để bảo vệ, đảm bảo quyền, lợi ích chính đang cho công dân Việt Nam khi học tập, sinh sống, làm việc tại các nước, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan liên quan ở trong và ngoài nước cần triển khai công tác bảo hộ công dân cần kịp thời có giải pháp trước mắt và lâu dài để giúp công dân an toàn, ổn định.
Các địa phương rà soát, tổ chức hoạt động đào tạo nghề nghiệp, dạy ngôn ngữ, văn hóa, nâng cao kiến thức, hiểu biết về quy định pháp luật của các nước một cách bài bản, có kiểm soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trước khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài. Bản thân công dân phải nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, quy định của nước sở tại, tránh làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lao động Việt Nam...
Một vấn đề cũng được cử tri tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm là công tác triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương, thúc đẩy hoạt động kinh kế, thương mại, xuất khẩu... Cử tri Nguyễn Văn Thu, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn nhìn nhận, hiện nay hợp tác là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển, do đó cần tranh thủ mối quan hệ hợp tác, hữu nghị trên các lĩnh vực để thúc đẩy kinh tế, giao thương, du lịch, nâng cao thu nhập... Trên tinh thần, nguyên tắc, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước, các địa phương giáp biên có thể nghiên cứu mở rộng, xây dựng mối quan hệ hợp tác phù hợp với địa phương của các nước nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, miền để phát triển.
Cử tri Thu chia sẻ, qua theo dõi thông tin đại chúng, người dân xứ Lạng vui mừng được biết, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị nhiều mặt với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa hai bên mang đến những trải nghiệm thú vị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai địa phương hai nước. Cử tri địa phương kỳ vọng và tin tưởng vào sự phát triển mới khi lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và đại diện chính quyền Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại các cặp cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc). Với sự hợp tác toàn diện, cử tri và nhân dân địa phương tin rằng, thời gian tới, nền kinh tế, hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu của Lạng Sơn sẽ phát triển mạnh, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp, người dân.