Bốn nhóm vấn đề trọng tâm
Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao gồm: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch; Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao (kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài); giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề cho công tác đối ngoại, ngành ngoại giao.
"Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao", Bộ trưởng cho biết.
Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng. Ngành ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục và nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương, qua đó, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi về các biện pháp đảm bảo an ninh cho công dân ta tại các nước xảy ra xung đột, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, xung đột xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Khi xung đột xảy ra, Bộ đã phối hợp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn. Đến nay mọi việc được triển khai tốt. Công tác bảo hộ công dân của ta được tiến hành rất kịp thời.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung vào vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân; tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam.
Về vấn đề di cư bất hợp pháp đã đặt ra vấn đề quan trọng trong việc thiết lập cơ chế xử lý khủng hoảng. Bộ Ngoại giao đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng để kịp thời xử lý vấn đề này, khi có sự cố xảy ra, có phương án phù hợp để đưa công dân Việt Nam về nước an toàn; đồng thời dự báo trước tình hình thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cần có biện pháp ứng phó kịp thời trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến các giải pháp hỗ trợ người Việt tại Campuchia, trong đó Bộ Ngoại giao đã trình Chính phủ Đề án phân giới cắm mốc biên giới, bước đầu triển khai có kết quả, giúp bà con giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Khẳng định vai trò quan trọng ngoại giao văn hóa, kinh tế
Trả lời chất vấn đại biểu về ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020; đồng thời có một số nội dung mới.
Để triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá được hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới. Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế trong đó đặc biệt là Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc.
Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó có Ủy ban di sản thế giới. Đây là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa. Ở cấp độ quốc gia, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa.
Bộ trưởng đánh giá rất cao trong thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc truyền bá văn hóa Việt Nam, duy trì phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, đây là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian qua, Bộ đã tích cực xây dựng đề án, chiến lược, cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác. Cụ thể, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sự kiện ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt Nam. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có góc trưng bày sản phẩm văn hóa ở trụ sở, đặc biệt là ở phòng tiếp khách, tiếp công dân. Bộ cũng phối hợp thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước sở tại.
Về việc duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục đào tạo và các trường đại học để triển khai việc hỗ trợ các hội đoàn người Việt xây dựng các trường, lớp tiếng Việt, qua đó duy trì, phát huy được giá trị văn hóa Việt Nam. Các cơ quan đã xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt dành riêng cho đối tượng người Việt tại nước ngoài, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục, đào tạo về tiếng Việt.
Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hơn 70.000 các loại sách giáo khoa tiếng Việt, nhiều văn hóa phẩm tiếng Việt đi kèm để hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các hội đoàn người Việt ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức dạy tiếng Việt, vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở giảng dạy tiếng Việt của kiều bào ta, đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại phù hợp với cấp học, hỗ trợ xây dựng các cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Giáo dục đào tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết việc làm sâu sắc quan hệ với các nước đối tác đã tạo ra rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo và giao lưu Nhân dân, du lịch...
Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường, thì Bộ Ngoại giao đặt ra các trọng tâm trong ngoại giao kinh tế thời gian tới.
Thứ nhất, phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập và nâng tầm quan hệ; qua đó xác định những trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác và trên cơ sở đó sẽ thông tin cho các địa phương, bộ ngành để cùng nhau phối hợp triển khai để tranh thủ tốt nhất cơ hội mở ra.
Thứ hai, tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện và kết nối các cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; Thứ ba, đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng; Thứ tư, hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực địa phương, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước ta; triển khai bằng các dự án hợp tác rất cụ thể; Thứ năm, phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ cho điều hành của Chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta; Thứ sáu, tham gia đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, duy trì được chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.