Đến nay, Ủy ban bầu cử thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện gần như hoàn thành công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới.
Để hiểu rõ hơn về công tác chuẩn bị bầu cử, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố, Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố Cần Thơ xung quanh vấn đề trên.
Đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Cần Thơ?
Có thể nói, công tác chuẩn bị bầu cử tại thành phố được tiến hành một cách chặt chẽ, chu đáo, đúng quy định của pháp luật, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Hiện các nội dung công việc còn lại như: trang trí điểm bầu cử, kiểm điểm, nhắc nhở, hướng dẫn những nội dung đã làm nhưng còn có thể có thiếu sót để phục vụ tốt nhất cho ngày bầu cử.
Những công việc thành phố đã làm xong như: thành lập các tổ chức bầu cử: Ủy ban bầu cử, các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp, các Tiểu ban giúp việc các Tổ bầu cử. Cụ thể, thành phố đã quyết định thành lập 943 Tổ bầu cử, trong đó có 37 Tổ bầu cử có khu vực bỏ phiếu riêng, 8 Tổ bầu cử ở các đơn vị vũ trang.
Tỉnh đã tổ chức xong 3 lần hiệp thương và chọn ra được những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (gồm 10 đại biểu ứng cử là người địa phương và 3 người do Trung ương giới thiệu ứng cử trên địa bàn) thực hiện ở 3 đơn vị bầu cử để bầu lấy 7 đại biểu Quốc hội khóa XV.
Về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, trên địa bàn có 11 đơn vị bầu cử, số người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ, nhiệm kỳ 2021-2026 là 87 người để bầu ra 54 đại biểu. Các quận, huyện đã lập danh sách 473 người để bầu lấy 287 đại biểu, đối với cấp xã, phường, thị trấn đã hiệp thương chọn được 3.402 người để bầu lấy 2.038 đại biểu.
Hiện nay, thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tổ chức cho các ứng viên viên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri... Thành phố đã chỉ đạo các công tác phòng, chống dịch từ đầu. Ủy ban nhân dân thành phố và ngành y tế đã có những kịch bản cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở trước, trong và sau ngày bầu cử.
Ủy ban bầu cử thành phố đã hướng dẫn và chỉ đạo lập danh sách cử tri theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, thường xuyên chỉ đạo việc cập nhật danh sách cử tri, nhất là đối với cử tri ở các trường cao đẳng, đại học, khu công nghiệp, cử tri tạm trú, cử tri là người vãng lai, đồng thời tránh sai sót trong việc lập danh sách cử tri.
Ủy ban bầu cử thành phố đã chỉ đạo quyết liệt về công tác thông tin tuyên truyền bầu cử đối với thành phố, các quận, huyện, xã phường, thị trấn. Các cơ quan có chức năng thông tin tuyên truyền thực hiện tốt sự chỉ đạo của Ủy ban bầu cử cũng như Tiểu ban tuyên truyền của Ủy ban bầu cử.
Tiểu ban an ninh trật tự đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu để triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trong ngày bầu cử. Các cơ quan có liên quan như Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã có phương án, kế hoạch riêng để thực hiện tốt kế hoạch của Tiểu ban an ninh trật tự, thực hiện nhiệm vụ về công tác bảo vệ an ninh trật tự thời gian trước, trong và sau ngày bầu cử. Thời gian qua, thành phố quan tâm công tác an ninh chính trị trên mạng xã hội.
Về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đến nay, có một số trường hợp khiếu nại, tố cáo, thành phố đã xem xét, giải quyết, đồng thời chuyển một số khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cấp quận huyện, cấp xã, phường để xem xét giải quyết.
Đối với công tác kiểm tra bầu cử, ngay từ đầu, Ủy ban bầu cử thành phố đã có kế hoạch thành lập 9 đoàn kiểm tra để kiểm tra tại các quận, huyện. Riêng trong đợt kiểm tra cận ngày bầu cử (ngày 20,21,22/5), Ủy ban bầu cử có kế hoạch kiểm tra riêng, đồng thời có kế hoạch trực đối với các tổ chức phụ trách bầu cử từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường để đảm bảo thực hiện các nội dung về công tác bầu cử đúng quy định, thông suốt trong thông tin.
Mỗi đợt kiểm tra ứng với thời điểm thực hiện các nhiệm vụ bầu cử. Cụ thể, kiểm tra đợt đầu về việc thành lập các tổ chức bầu cử; kiểm tra lần hai về công tác hiệp thương, đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng; kiểm tra lần 3 về công tác lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách ứng cử viên, tiểu sử các ứng cử viên; kiểm tra lần thứ tư về công tác chuẩn bị trang thiết bị vật tư phục vụ các điểm, nơi bầu cử, công tác bảo vệ, công tác tuyên truyền...
Ông đánh giá như thế nào về việc chuẩn bị công tác nhân sự cho cuộc bầu cử lần này?
Nhìn chung, công tác nhân sự thành phố Cần Thơ đảm bảo theo đúng quy định của Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân, Nghị quyết Quốc hội bao gồm: Tỷ lệ nữ, tỷ lệ ngoài đảng, tỷ lệ trẻ dưới 40 tuổi, tỷ lệ tái cử... đều đạt và vượt yêu cầu đề ra. Cụ thể, những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do thành phố giới thiệu có tỷ lệ nữ chiếm 50%, ngoài Đảng chiếm 30%, dưới 40 tuổi chiếm 30%, tỷ lệ tái ứng cử chiếm 10%.
Đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, nhiệm kỳ 2021-2026, có tỷ lệ nữ chiếm 44,83%, tỷ lệ ngoài Đảng chiếm 16%, dưới 40 tuổi chiếm 28,74%, người dân tộc thiểu số chiếm 4,6%, tôn giáo chiếm 4,6% và tái ứng cử chiếm 43,64%...
Thưa ông, vấn đề quan tâm lớn nhất của Ủy ban bầu cử Cần Thơ trong đợt bầu cử lần này là gì?
Vấn đề quan tâm lớn nhất trong cuộc bầu cử lần này tại thành phố Cần Thơ đó là công tác phòng, chống dịch COVID -19. Bởi hiện nay, một số địa phương trên cả nước đã có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Đối với thành phố Cần Thơ, tuy đến nay chưa phát hiện ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng nhưng địa phương vẫn xem đây là nguy cơ rất lớn.
Để đối phó với tình hình này, các cấp, ngành thành phố, đặc biệt là Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban bầu cử đã có nhiều phương án, kế hoạch để vừa thực hiện tốt công tác bầu cử vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thành phố chuẩn bị các phương án cho đến ngày bầu cử, nếu có xảy ra vấn đề gì, tại địa bàn nào sẽ có phương án xử lý kịp thời, phù hợp.
Điều quan tâm thứ hai đó là danh sách cử tri, mặc dù được lập rất sớm và các địa phương có sự điều chỉnh, tuyên truyền để nhân dân đến xem nhằm rà soát nhưng thành phố rất chú ý đối với cử tri ở các trường cao đẳng, đại học, khu công nghiệp.
Nếu cử tri tạm trú và có nhu cầu bầu cử, địa phương nơi cử tri tạm trú ghi vào danh sách cử tri, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở để tránh tình trạng ghi danh sách cử tri tại Cần Thơ nhưng lại về quê bầu cử sẽ rất khó... Sắp tới trong quá trình phát thẻ cử tri, thành phố tổ chức đến từng hộ để phát thẻ với phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa đó là tình hình an ninh trật tự mặc dù đến nay trên địa bàn vẫn đảm bảo nhưng thành phố luôn đề phòng, đảm bảo an toàn tuyệt đối ở trước, trong và sau ngày bầu cử để mọi cử tri an tâm đi thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.
Ngoài ra, thành phố cò lưu ý đảm bảo về các vật tư, trang thiết bị. Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuẩn bị dự phòng, nếu tình hình khó khăn cần trưng dụng nhiều thùng phiếu phụ để thực hiện bầu cử...
Được biết, trên địa bàn thành phố sẽ tổ chức các điểm bầu cử sớm. Xin ông cho biết cụ thể các điểm bầu cử sớm cũng như công tác chuẩn bị bầu cử tại những điểm này được thực hiện như thế nào?
Do yêu cầu nhiệm vụ, thành phố Cần Thơ có 8 điểm bầu cử tiến hành bầu cử sớm gồm 7 điểm bầu cử của lực lượng công an và 1 điểm bầu cử của lực lượng quân sự diễn ra vào ngày 20/5. Các điểm bầu cử này sẽ tiến hành bầu cử sớm để sau đó ngày 23/5, lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Đến nay, các điểm bầu cử này đã chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu theo quy định. Dự kiến ngày 19/5, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát lại các điểm bầu cử này để đảm bảo thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình trong công tác bầu cử.
Xin chân thành cám ơn ông!