Việc làm này đã góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động của chính quyền và khâu triển khai, thực hiện.
Chủ trương đúng
Theo thống kê, hết năm 2016, Hải Dương có 1.540 chi bộ ở thôn, khu dân cư. Tuy nhiên, thời điểm này, ở các thôn, khu dân cư, vai trò của chi bộ chưa thực sự rõ nét. Việc ra nghị quyết và triển khai nghị quyết còn lúng túng, chưa sát với tình hình thực tế của địa phương. Ở một số địa phương, trưởng thôn, khu dân cư chưa phải là đảng viên, từ đó dẫn đến việc nắm bắt tình hình thực tế còn hạn chế, việc định hướng về tư tưởng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở thôn không cao…
Khi Bí thư chi bộ và Trưởng thôn là 2 người, thậm chí có nơi Trưởng thôn còn chưa phải đảng viên, công tác phối hợp giữa cấp ủy với Trưởng thôn, có thời điểm chưa thống nhất cao. Vai trò của lãnh đạo của chi bộ thiếu hiệu quả. Việc duy trì nề nếp sinh hoạt giao ban giữa Bí thư chi bộ với Trưởng thôn chưa thường xuyên; nghị quyết của chi bộ chưa giao thực sự đầy đủ trách nhiệm để Trưởng thôn tổ chức thực hiện. Chỉ đạo của chi bộ và Trưởng thôn nhiều khi không thống nhất từ đó dẫn đến việc kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của chi bộ, của cấp ủy cấp trên và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn gặp không ít khó khăn nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Ông Phạm Đức Thiện, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Quốc Tuấn, xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện chia sẻ: Trước đây, khi chưa nhất thể hóa, khó phát huy vai trò của người đứng đầu. Khi chi bộ ra nghị quyết và triển khai thì giao cho Trưởng thôn; nếu Trưởng thôn năng động thì việc triển khai nhanh và đúng nhưng ngược lại thì nghị quyết không thể triển khai được; thậm chí còn không thể thống nhất, nên nhiều việc ở thôn chưa được xử lý hiệu quả, nhất là những vấn đề nảy sinh ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Từ thực tiễn này, tháng 8/2016, Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Đề án 01 về “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020”. Đề án nhằm khắc phục những bất cập như bộ máy cấp xã còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của trách nhiệm còn chưa được quy định rõ; năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở nhiều nơi còn hạn chế; chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách còn nhiều bất cập…
Đề án 01 cũng nhấn mạnh việc nhất thể hóa một số chức danh, vị trí công tác ở cấp xã, phường, thị trấn nhất là việc nhất thể hóa bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu dân cư. Đề án được kỳ vọng sẽ tinh gọn bộ máy từ cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến khâu tổ chức thực hiện, phát huy vai trò nòng cốt của Đảng, gắn kết với người dân, phục vụ lợi ích của người dân một cách tối ưu, nhất là ở khu vực nông thôn.
Hiệu quả bước đầu
Việc tiến hành nhất thể hóa Bí thư chi bộ và Trưởng thôn, khu dân cư đã mang lại những sự phát triển không nhỏ về kinh tế - xã hội cũng như hiệu quả tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đến người dân.
Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện chia sẻ: Từ khi xã nhất thể hóa Bí thư và Trưởng thôn, công việc hiệu quả hơn rất nhiều. Ví dụ như, trước đây, có việc thì phải họp trong cấp ủy, sau đó mới triển khai ra các ngành, đoàn thể và thực tế triển khai thì phải họp 3 cuộc, nay thì chỉ họp 1 lần và triển khai được ngay. Trước kia, việc đưa chủ trương chính sách của tỉnh, huyện, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp đến với người dân còn chậm, từ khi nhất thể hóa, công việc đã thuận lợi hơn. Từ một xã khó khăn của huyện Thanh Miện, nay xã Lê Hồng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ hơn, bộ mặt kinh tế của xã nông thôn từng bước thay đổi.
Huyện Thanh Miện là một trong những huyện có tỷ lệ nhất thể hóa Bí thư chi bộ và Trưởng thôn khu dân cư cao nhất của tỉnh Hải Dương. Trước khi thực hiện, huyện Thanh Miện có 92 thôn, khu dân cư, quy mô thôn khác nhau; trong đó, 5 thôn có số dân lớn hơn 3.000 dân, có thôn chỉ trên dưới 200 dân. Trong 92 thôn, khu dân cư có 110 chi bộ, đặc biệt hai thôn có 5 chi bộ; một thôn có 3 chi bộ; tám thôn có 2 chi bộ; chức danh Bí thư chi bộ hầu hết kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể cũng được bố trí theo mô hình chi bộ.
Bí thư Huyện ủy Thanh Miện Trần Văn Quân cho biết: Lúc đầu khi bắt đầu triển khai, nhiều người băn khoăn vì công việc thì nhiều, thu nhập giảm, người nào làm, người nào nghỉ. Nhận thấy hiệu quả của việc nhất thể hóa là hợp lòng dân và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nên ngay từ cuối năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt nội dung việc nhất thể hóa đến cán bộ, đảng viên và nhân dân dưới nhiều hình thức, tạo sự chuyển biến trước hết là về nhận thức từ Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đến cấp ủy các xã, thị trấn, chi ủy chi bộ, đảng viên trong huyện. Tất cả phải thống nhất, tạo ra tiếng nói chung, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Ban Thường vụ Huyện ủy phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm, Huyện ủy viên đến từng xã để trực tiếp chỉ đạo, giám sát ngay từ việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện; gắn công tác nhân sự trưởng thôn, khu dân cư nhiệm kỳ 2017-2019 với chuẩn bị làm bí thư chi bộ.
Huyện Thanh Miện phấn đấu đến năm 2020, 100% số thôn, khu dân cư bố trí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, trưởng khu dân cư; từng bước thực hiện Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, thị trấn, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh; giảm ít nhất 10% tổng biên chế cán bộ, công chức được giao vào năm 2020.
Việc thực hiện nhất thể hóa bước đầu đã cho thấy hiệu quả rất cao ở huyện Thanh Miện. “Trước đây, mỗi khi triển khai công việc gì, huyện phải mời 180 người gồm trưởng thôn và bí thư thì nay chỉ mời 90 người nên chi phí hội họp đã giảm được khá nhiều. Việc nhất thể hóa này đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức đảng ở cơ sở; khẳng định rõ nét hơn vị trí, trách nhiệm của người đứng đầu, tạo nên sự nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương và quan trọng nhất là tạo được sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân”, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện Trần Văn Quân chia sẻ.
Về những hiệu quả của việc nhất thể hóa ở địa phương, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Nguyễn Đức Tuấn khẳng định: Từ khi Thanh Hà triển khai việc nhất thể hóa Bí thư chi bộ và Trưởng thôn, khu dân cư đã góp phần giảm kinh phí chi cho ngân sách; bộ máy chính trị tinh gọn hơn. Công việc được triển khai nhanh hơn, nhất là trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương như việc triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp, chăm sóc cây trồng , hoa màu kịp thời, đúng thời vụ. Đặc biệt, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nông thôn đảm bảo hơn. Những vấn đề “nóng” được đưa ra bàn thảo ngay trong cấp ủy, chi bộ và đưa ra hướng giải quyết, xử lý kịp thời, không gây bức xúc, đảm bảo bình yên cho cuộc sống người dân…
Ông Nguyễn Đình Xiển, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ: Bước đầu triển khai Đề án và thực hiện nhất thể hóa đã đem lại những hiệu quả nhất định. Khi tiến hành nhất thể hóa, một người đảm trách hai công việc sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác triển khai và thực hiện nhiệm vụ trong thôn, khu dân cư, hơn nữa lại tiết kiệm được chi phí, tinh giản được bộ máy cán bộ gọn nhẹ hơn.