Hải Dương thực hiện sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư

Ngày 6/11, Ban Chỉ đạo Đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tổ chức họp, thống nhất phân công nhiệm vụ cho các thành viên và thời gian thực hiện Đề án.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư tỉnh Hải Dương phát biểu tại cuộc họp.

Theo Ban Chỉ đạo, tỉnh Hải Dương hiện có 1.469 thôn, khu dân cư thuộc 265 xã, phường, thị trấn; trong đó có 1.096 thôn và 373 khu dân cư.

Thời gian qua, các thôn, khu dân cư hoạt động cơ bản ổn định, tuy nhiên đa số các thôn, khu dân cư có diện tích nhỏ, quy mô dân số thấp so với tiêu chuẩn quy định nên gây nhiều khó khăn trong việc quy hoạch phát triển nông thôn mới; việc đầu tư hạ tầng dàn trải gây lãng phí cho ngân sách.

Những thôn, khu dân cư có dân số đông, diện tích lớn bị chia tách bởi đường giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp… gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính.

Đặc biệt, đội ngũ người hoạt động không chuyên trách tại các thôn, khu dân cư hiện có số lượng tương đối lớn nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, là gánh nặng cho ngân sách, giảm hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước ở địa phương.

Tỉnh Hải Dương quyết định chia tách, sáp nhập lại các thôn, khu dân cư trên địa bàn nhằm tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch nhất là giao thông nông thôn, mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung nguồn lực trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tinh gọn bộ máy chính trị…

Theo đó, đối với thôn, sau khi chia tách, sáp nhập ở vùng đồng bằng phải đảm bảo có từ 400 hộ gia đình trở lên, ở miền núi có từ 200 hộ gia đình trở lên.

Đối với tổ dân phố (khu dân cư) ở khu vực đồng bằng có từ 500 hộ gia đình trở lên, vùng miền núi có từ 300 hộ gia đình trở lên.

Việc sáp nhập, chia tách thôn, khu dân cư tiến hành đồng bộ, thống nhất với việc kiện toàn chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội.

Dự kiến đến ngày 30/6/2019, Hải Dương sẽ hoàn thành việc sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư.

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư tỉnh lưu ý: Việc sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền bàn bạc, thống nhất thực hiện tránh để xáo trộn tại địa phương; không viện dẫn khó khăn, vướng mắc để chậm trễ và phải thực hiện đồng loạt tại tất cả các địa phương trong tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cũng nêu rõ: Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Các cơ quan chức năng khẩn trương tuyên truyền, khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Công an tỉnh Hải Dương phải có hướng dẫn đồng bộ về các thủ tục, giấy tờ như: chứng minh, chứng thực, quyền sở hữu các tài sản của nhân dân sau sáp nhập, chia tách...

Các cơ quan truyền thông trong tỉnh phải tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục để tạo diễn đàn cho mọi người đóng góp ý kiến và nắm rõ các chủ trương, chính sách của tỉnh…

Tin, ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)
Đề cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh
Đề cao trách nhiệm nêu gương, xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn trong quan hệ đối với người thân, gia đình, đối với công việc, tập trung vào các vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN