Tăng sáp nhập, giảm đầu mối Tổ dân phố Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) có 17 hộ dân sinh sống nhưng có đến 12 người làm cán bộ không chuyên trách.
Ông Lưu Văn Đoan - Tổ trưởng tổ dân phố Phiêng My cho biết, riêng ở tổ với mỗi chức danh đều gắn với một người phụ trách như Bí thư, Tổ trưởng, Trưởng ban Mặt trận, Công an viên, Thôn đội trưởng, Hội trưởng Phụ nữ, Bí thư Đoàn thanh niên, Hội trưởng Hội Nông dân… Việc mỗi ngành, lĩnh vực có người phụ trách riêng sẽ tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến từng hộ dân, đối tượng nhưng ngân sách Nhà nước cũng phải bỏ ra một khoản để trả phụ cấp cho đội ngũ này.
Đề án 03-ĐA/TU tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ sắp xếp lại các cán bộ y tế học đường. Ảnh: baobackan.org.vn |
Để vận hành bộ máy cồng kềnh ở tổ dân phố Phiêng My, mỗi tháng ngân sách Nhà nước phải chi 1 triệu đồng trả phụ cấp cho Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố gần 1 triệu đồng, hơn 900 nghìn đồng cho Thôn đội trưởng và hàng chục chức danh khác với phụ cấp từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Văn Đoan - Tổ trưởng Tổ dân phố Phiêng My, hầu hết các việc trong tổ đều do ông xử lý, từ việc quản lý nhân khẩu, hòa giải, đến các thủ tục hành chính...; trong khi đó, một số cán bộ trong tổ có phụ cấp chức vụ, nhưng công việc rất ít.
Xã Dương Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) có 10 thôn. Ở các thôn, dù số hộ ít hay nhiều đều cơ cấu bộ máy khoảng 14 cán bộ bán chuyên trách như: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Mặt trận, Chi hội trưởng các hội đoàn thể... Có những thôn như Nà Chèn chỉ có 20 hộ dân, Bản Mún 2 có 24 hộ dân nhưng bộ máy cơ sở vẫn phải có đầy đủ các chức danh.
Chỉ một thôn ở xã Dương Phong nhưng mỗi tháng ngân sách Nhà nước chi gần 23 triệu đồng để trả lương cho cán bộ. Theo ông Trần Duy Thân - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Phong, sẽ không mất nhiều chức danh cho một thôn ít dân cư nếu dồn các chức danh hoặc các thôn theo cụm thôn.
Xã Phiêng My cũng như Dương Phong chỉ là ví dụ điển hình cho sự cồng kềnh của bộ máy cơ sở ở Bắc Kạn. Nếu tính cả tỉnh Bắc Kạn, số cán bộ bán chuyên trách ở thôn, bản là rất lớn và ngân sách bỏ ra để “nuôi” bộ máy này là một con số không nhỏ.
Nhận thấy sự cồng kềnh, lãng phí khi bộ máy, cán bộ công nhân viên chức quá đông so với yêu cầu, Bắc Kạn đã và đang thực hiện tinh giản, sắp xếp lại cho phù hợp. Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Đề án 03-ĐA/TU ngày 10/5/2017 về sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong hệ thống chính trị. Thực hiện đề án này, một số cơ quan Nhà nước phải bố trí lại vị trí việc làm, sáp nhập một số đơn vị, phòng ban có cùng chức năng để giảm đầu mối.
Tới đây, viên chức, sự nghiệp của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) sẽ sáp nhập với Đài Phát thanh và Truyền hình huyện để thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông. Đây là một trong những giải pháp để giảm đầu mối, cơ cấu lại bộ máy mà huyện Chợ Đồn sẽ thực hiện ngay trong thời gian tới. Cùng với đó, Phòng Y tế và Phòng Dân tộc huyện Chợ Đồn dự kiến cũng sẽ sáp nhập vào Văn phòng UBND huyện.
Việc sáp nhập một số phòng, ban giúp giảm số đầu mối cấp phòng của UBND huyện. Đối với hệ thống trường học do huyện quản lý, đến thời điểm này, huyện Chợ Đồn cũng đã tiến hành sáp nhập 12 trường học có số học sinh quá ít thành 6 trường. Từ năm 2015 đến nay, huyện Chợ Đồn đã tinh giản biên chế 42 người, trong đó chủ yếu là cho nghỉ hưu trước tuổi.
Trong công tác sắp xếp lại cơ cấu, kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Bắc Kạn đã có chuyển biến tích cực. Sở Nội vụ Bắc Kạn đã phối hợp với các cấp, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh sáp nhập các Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện để thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; hợp nhất Văn phòng quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố; sắp xếp, chuẩn bị sáp nhập các Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về UBND huyện quản lý; sáp nhập các đơn vị cấp 2 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm; sáp nhập Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm thành Trung tâm Khuyến nông tỉnh…
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã tinh giản được gần 290 biên chế; trong đó, hơn 210 biên chế là cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối cấp xã; số còn lại thuộc khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, khối cơ quan Đảng, đoàn thể.
Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Kạn Ma Xuân Thu chia sẻ, Bắc Kạn là một trong những tỉnh thực hiện tinh giản, sắp xếp bộ máy nhanh so với toàn quốc, đi trước Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Qua rà soát tổ chức bộ máy, đối với cấp tỉnh, các sở ngành đã giảm được 32 phòng chuyên môn; các phòng thuộc chi cục và ban, giảm 22 phòng; các đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 35 đơn vị. Đến nay, Bắc Kạn còn 429 đơn vị sự nghiệp, đối với các huyện giảm được 16 phòng.
Khi tinh giản bộ máy sẽ dẫn tới dư thừa một số cấp lãnh đạo là trưởng, phó phòng. Do đó, tỉnh đã làm đề án trong vòng 2 năm không bổ nhiệm các trưởng, phó phòng nên không dư các chức danh và có thể luân chuyển giữa các đơn vị phù hợp.