Cụ thể, mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp: làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, Nghị định 05/2023/NĐ-CP được ban hành đã kịp thời ghi nhận những đóng góp của đội ngũ nhân viên y tế, đồng thời góp phần “giữ chân”, thu hút nhân lực y tế cơ sở. Đây cũng là nguồn hỗ trợ khá lớn đối với cán bộ y tế tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa khi điều kiện đi lại, làm việc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh sự đồng thuận, đội ngũ cán bộ y tế Hà Tĩnh cũng bày tỏ nhiều băn khoăn, mong muốn điều chỉnh đối tượng được thụ hưởng và tăng thời gian thụ hưởng chính sách.
Theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Kháng, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh, sau khi sáp nhập, đơn vị có hai bộ phận là dân số và y tế dự phòng đều thực hiện chung nhiệm vụ công tác y tế, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm có 23 y bác sĩ, cán bộ nhân viên, trong thời gian dịch COVID-19 xảy ra, từ các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ hành chính, kế toán, dân số viên cho đến nhân viên bảo vệ, lái xe đều tham gia vào công tác phòng, chống dịch… Tuy nhiên, đối chiếu Nghị định 05/2023/NĐ-CP, họ lại không được thụ hưởng chính sách.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, kế toán của Trung tâm chia sẻ, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, toàn bộ cơ quan đều được huy động 24/24h. Bộ phận kế toán nhận nhiệm vụ thu phí xét nghiệm; tiếp nhận, nhập, xuất vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt là việc vào tận các khu cách ly tập trung của tỉnh để thu phí.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Trung tâm có 15 khoa phòng với 153 cán bộ, nhân viên. Giai đoạn căng sức phòng, chống dịch COVID-19, tất cả đều được phân công nhiệm vụ tại các khu cách ly, tổ chức tiêm chủng, vận chuyển hàng hóa, phục vụ công tác hậu cần cho phòng, chống dịch. Nhiều bộ phận như lái xe, truyền thông cũng vào tâm dịch, đối mặt với nhiều nguy hiểm. Vì vậy, ông mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế xem xét, đánh giá và có hướng dẫn kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho mọi người.
Bên cạnh việc quan tâm đến đội ngũ gián tiếp tham gia các nhiệm vụ phòng, chống dịch ở các cơ sở y tế, các ý kiến cho rằng thời gian hưởng phụ cấp 2 năm (2022, 2023) là quá ngắn, không đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực đối với các bệnh viện công lập. Cụ thể với dịch COVID-19, thời gian cao điểm của dịch là từ đầu năm 2020 đến năm 2022, nhiều nhân viên y tế đã cống hiến hết sức mình cho công tác phòng, chống dịch, sau đó đến thời gian nghỉ hưu sẽ không được thụ hưởng chính sách.
Các đơn vị y tế công lập tại Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị định. Sau thời gian áp dụng trong hai năm 2022 và 2023, Chính phủ có phương án tăng phụ cấp ưu đãi.