Tối 30 Tết, phòng làm việc của Đội vận hành lưới điện thuộc Công ty Điện lực Sài Gòn - Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (đường Võ Văn Tần, Quận 3) vẫn sáng đèn, túc trực giữ nguồn sáng an toàn cho cả thành phố.
Ngoài đường phố, hàng nghìn người đang trông đợi màn pháo hoa đặc sắc nhất để chào đón một năm mới đầy hy vọng. Bên trong những căn nhà sáng đèn, bên mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên, mọi người quây quần bên nhau chờ đợi thời khắc quan trọng sắp đến.
Thế nhưng, tại văn phòng của Đội vận hành lưới điện thuộc Công ty Điện lực Sài Gòn, khung cảnh đêm Giao thừa lại trái ngược hoàn toàn. Những công nhân của tổ vận hành lưới điện vẫn còn ngồi trên bàn làm việc, căng mắt “dán” vào màn hình điện tử chi chít đường liên kết như mạch máu người.
Với trọng trách đảm bảo cung cấp điện 24/7 cho thành phố, họ luôn phải thay nhau túc trực bên bàn điều khiển, để giữ nguồn sáng an toàn cho người dân. Và khi có sự cố lưới điện, họ nhanh chóng tiếp cận hiện trường và sẵn sàng thao tác xử lý nhanh nhất để nguồn điện trở lại cho người dân.
Khoảnh khắc Giao thừa đã đến, bận rộn túc trực bên chiếc điện thoại bàn, anh Nguyễn Quang Huy (quê tại tỉnh Thái Bình), kỹ sư Công ty Điện lực Sài Gòn, vẫn nghe được tiếng pháo hoa đón Giao thừa đang bắn cách xa 2km.
Nghĩ thầm trong lòng “năm mới đã đến”, nhanh chóng, anh Huy tập trung vào màn hình điện tử, để ý những khu vực dễ xảy ra cháy, nổ nhất trên địa bàn thành phố. Ca trực có 9 người, ai cũng tập trung cao độ.
“Đêm Giao thừa là lúc chúng tôi cần tập trung cao độ nhất, vì có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra cùng một lúc, đặc biệt là hoạt động bắn pháo hoa. Thời khắc ấy, tất cả mọi người trong Văn phòng đều phải nhanh tay, nhanh mắt. Bởi nếu có sự cố, chúng tôi phải đóng ngắt điện từ xa ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho người dân”, anh Huy nói.
Sau bầu không khí căng thẳng, các hoạt động đón Giao thừa kết thúc, Huy và đồng đội mới bắt đầu gọi điện về cho gia đình, rôm rả chúc Tết. “Chúng tôi chỉ thực sự đón Tết sau khi người dân đã nghỉ Tết xong, đi làm trở lại bình thường”, anh Huy nói.
Có 25 năm công tác trong ngành Y, với bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, việc trực cấp cứu đêm Giao thừa đã trở nên rất đỗi bình thường. Trong khi chiều 30 Tết, ai cũng sum vầy bên gia đình, người thân, bác sĩ Lam và các đồng nghiệp lại bắt đầu bước vào một ca trực mới ở bệnh viện. Giao thừa ở bệnh viện cũng có đầy đủ bánh mứt, hoa trái, cũng có những lời chúc đầu năm, lì xì năm mới và thỉnh thoảng có cả những tình huống cấp cứu khẩn cấp.
Anh chia sẻ: “Ban đầu cũng hơi buồn một chút nhưng sau vài ba năm, chúng mình đã quen với việc vắng nhà đêm Giao thừa và nó cũng trở thành ca trực bình thường như bao ca trực khác. Không được sum vầy với gia đình trong thời khắc Giao thừa nhưng điều này góp phần đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân cũng vô cùng ý nghĩa”.
Với bác sĩ Diêu Hà Lam và nhân viên y tế, có lẽ điều buồn nhất khi trực đêm Giao thừa là phải tiếp nhận nhiều ca cấp cứu. Anh chỉ mong những ca trực Tết của mình và đồng nghiệp trôi qua nhẹ nhàng. “Tết mà, cầu mong tất cả mọi người đều được an toàn, khỏe mạnh, được đón Tết bình an với gia đình”, bác sĩ Lam trải lòng.
Từ Thanh Hóa vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc 13 năm nay, cũng từng đó năm, chị Nguyễn Thị Huyền, Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã gắn bó với nghề vệ sinh môi trường và đón Giao thừa ngoài phố.
Chị Huyền cho biết: Tết năm nào cũng vậy, công việc thu gom rác, vệ sinh đường phố đến tận 2 - 3 giờ sáng. Anh chị em công nhân đều cố gắng làm xong, để sáng mai ngày đầu năm mới mọi nơi trên khắp đường phố đều sạch đẹp.
“Mệt nhưng vui vì mình cùng các anh chị em trong tổ có chung thời khắc đón Giao thừa năm mới, rồi cùng vào công việc cố gắng hoàn tất cho công việc ngay trong đêm”, chị Huyền chia sẻ.
Chị Huyền cho biết thêm: Nhà có ba mẹ con, hiện trọ ở quận Bình Tân, mọi việc cúng ông bà và đêm Giao thừa phải chuẩn bị sẵn để các cháu thắp hương vào lúc Giao thừa, đón Tết. Năm nào các cháu về quê ăn Tết, mọi việc đành gác lại, đến mùng 1 thắp hương cho gia tiên, đón Giao thừa muộn vậy.
Trong bộ quân phục chỉnh tề, Trung tá Nguyễn Thành Nhiệm, Trưởng Ban Quân khí, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, người phụ trách công tác kỹ thuật bắn pháo hoa đêm Giao thừa tại điểm bắn pháo hoa tầm cao ở khu vực đầu hầm vượt sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức) cho biết: Hơn 200 chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thành phố đã nhiều ngày chuẩn bị, triển khai cho 15 phút phục vụ đồng bào Thành phố có được niềm vui ngắm những bông pháo hoa nở bung trên nền trời vào thời khắc Giao thừa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi lại phải nhanh chóng thu dọn các giàn phóng, trả lại mặt bằng khu vực bắn pháo hoa sạch sẽ như ban đầu, trở về đơn vị thu nộp toàn bộ trang thiết bị phục vụ công tác bắn pháo hoa.
Gia đình ở ngay trong Thành phố, nhưng cũng phải đến sáng mùng 1, Trung tá Nguyễn Thành Nhiệm mới có thể trở về đón Tết bên người thân. Trung tá Nguyễn Thành Nhiệm vui vẻ cho biết: Đêm Giao thừa, ai cũng muốn đón Tết cùng gia đình, nhưng phải làm việc trong đêm 30 Tết đối với bộ đội cũng là bình thường thôi, vì đã là người lính thì luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ tổ chức bắn pháo hoa trong đêm 30 Tết của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh giao, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thành phố tham gia nhiệm vụ này đã xác định sẽ phải nỗ lực, cố gắng hết sức để pháo hoa đạt hiệu quả cao nhất, có được hiệu ứng ánh sáng tốt nhất để đem lại niềm vui đón thời khắc xuân sang cho người dân và du khách đến thành phố dịp Tết.
“Phong tục cổ truyền của dân tộc ta là đầu năm, nhất là lúc đón năm mới mà vui vẻ, thoải mái, cả năm sẽ may mắn, tốt lành. Vì thế, chúng tôi cũng cố gắng hết sức để bầu trời Thành phố trong đêm Giao thừa thêm lung linh, rực rỡ thêm cùng niềm vui chung của người dân Thành phố. Đó cũng như một lời cầu chúc của các bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thành phố gửi đến người dân Thành phố có một năm mới Giáp Thìn hạnh phúc, an vui, thịnh vượng”, Trung tá Nguyễn Thành Nhiệm chia sẻ.