Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Nghị quyết này được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều 5/5/2025.
Tại Nghị quyết số 194/2025/QH15, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Tại Nghị quyết số 195/2025/QH15, Quốc hội quyết nghị thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban. Các Phó Chủ tịch Ủy ban gồm: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được sử dụng con dấu của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội là cơ quan thường trực, trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác, tổ chức phục vụ các hoạt động của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và cơ quan thường trực của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.