Hiệu quả vốn vay ưu đãi giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Thời gian qua, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ (Lai Châu) đã tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều chị em đã xây dựng được các mô hình phát triển phù hợp, hiệu quả, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội.

Chú thích ảnh
Chị Sùng Thị Dinh cùng gia đình thu hái chè để bán, đây cũng là một trong những nguồn cho thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng/năm. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sìn Hồ Chẻo Thị Hà cho biết, đến đầu tháng 3/2019, trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã thành lập 62 tổ tiết kiệm vay và vay vốn, 14 xã nhận ủy thác, nâng tổng dư nợ lên hơn 67 tỷ đồng. Trong đó, các chương trình như cho hộ nghèo vay, vay sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ.

Các hộ vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Nhiều mô hình như trồng cây dược liệu của phụ nữ xã vùng cao: Xà Dề Phìn, Phăng Xô Lin, Tả Phìn; chăn nuôi gia súc của phụ nữ Chăn Nưa, Pa Tần, Nậm Tăm; nuôi cá lồng của Nậm Cha, Nậm Mạ, đã khẳng định hiệu quả kinh tế, được nhân rộng…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sìn Hồ Chẻo Thị Hà cho biết thêm: Việc xây dựng các chính sách ưu đãi nhằm giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập gia đình, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hội viên đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. Từ đó, trong tổ chức Hội ngày càng xuất hiện thêm nhiều điển hình phát triển kinh tế tại các địa phương với nhiều mô hình mới, cách làm hay như: Mô hình VAC của chị Nguyễn Thị Chinh (Khu 5, thị trấn Sìn Hồ); chăn nuôi, kinh doanh tổng hợp của chị Lò Thị Nhiên (xã Chăn Nưa); chị Lý Thị Dúa với mô hình trồng cây dược liệu đương quy...

Chị Sùng Thị Dinh, ở bản Chang, xã Xà Dề Phìn (Sìn Hồ) là một trong những điển hình về sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hiệu quả. Chị Dinh cho biết, gia đình chị từng thuộc diện hộ nghèo do không có vốn sản xuất. Khi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị bàn với gia đình mạnh dạn đầu tư nuôi trâu sinh sản, lợn thương phẩm, máy sản xuất nông nghiệp để mở rộng diện tích canh tác. Nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả giúp gia đình chị có thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm. Hiện chị Dinh mong muốn tiếp tục được vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Song song với công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các hộ gia đình, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sìn Hồ cũng đưa ra nhiều giải pháp để chị em sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Trong đó, Hội nâng cao hiệu quả tuyên truyền; phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, canh tác mới được xem là giải pháp trọng tâm. Cùng với đó, các cấp Hội đã vận động những hộ vay vốn gửi tiết kiệm, trong điều kiện rủi ro có khoản tích lũy hoàn vốn.

Chú thích ảnh
 Chị Sùng Thị Dinh chăm sóc đàn trâu của gia đình. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sìn Hồ cho biết, đơn vị đã tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cho các tổ tiết kiệm và vay vốn; triển khai một số giải pháp để thu hồi, xử lý khoản nợ đọng lâu ngày… nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này.

Việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp đời sống phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sìn Hồ ngày càng đủ đầy, hạnh phúc. Từ đó, chị em thêm tự tin, năng động, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Việt Hoàng (TTXVN)
Khởi sắc nông thôn mới nơi vùng cao biên giới
Khởi sắc nông thôn mới nơi vùng cao biên giới

Đến xã vùng cao biên giới Tam Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của vùng đất vốn trước kia còn nghèo nàn, lạc hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN