Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cường phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Tham dự sự kiện có khoảng 130 đại biểu tham gia trực tiếp, gần 50 đại biểu tham gia trực tuyến; gần 20 diễn giả từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ; khoảng 40 đại biểu từ khoảng gần 30 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; hơn 70 đại biểu từ các cơ quan, ban, bộ, ngành trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học từ nhiều địa phương trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường hoan nghênh Đối thoại Biển lần thứ 14 được tổ chức đúng thời điểm và trở thành một diễn đàn uy tín, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo trật tự pháp lý trên biển. Công ước UNCLOS nói chung, các cơ chế giải quyết tranh chấp nói riêng góp phần củng cố ổn định của trật tự pháp lý trên biển, đảm bảo an ninh biển, hòa bình và phát triển kinh tế bền vững toàn cầu, thúc đẩy hợp tác quốc tế vì quản trị đại dương lâu dài. Việt Nam khẳng định cam kết tuân thủ UNCLOS, tiếp tục đóng góp vào nỗ lực chung, thúc đẩy hợp tác pháp lý quốc tế về biển, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng, dựa trên luật pháp quốc tế.
Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, PGS-Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Công ước UNCLOS là nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong thiết lập khuôn khổ pháp lý thống nhất để sử dụng biển bền vững và hòa bình. UNCLOS đã pháp điển hóa hệ thống luật biển toàn diện, trở thành nền tảng pháp lý cho quản trị đại dương toàn cầu. Một trong những thành tựu nổi bật của UNCLOS là đã đưa ra các quy định liên quan tới các cơ chế giải quyết tranh chấp. Các cơ chế này không chỉ cung cấp khuôn khổ và lựa chọn giải quyết tranh chấp mà còn là cơ sở thúc đẩy trật tự pháp lý trên biển. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS), Đối thoại là cơ hội không chỉ để đánh giá vai trò của cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ UNCLOS, trong giải quyết hòa bình tranh chấp, còn thúc đẩy phát triển tiến bộ của luật biển; đồng thời xác định những cách thức nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của cơ chế trong ứng phó với những thách thức mới nổi.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Gillian Bird nhấn mạnh những sự kiện quan trọng như Đối thoại biển khẳng định tầm quan trọng của giải quyết hòa bình tranh chấp dựa vào quy tắc và chuẩn mực quốc tế, không phải bằng đe dọa/ sử dụng vũ lực, sức mạnh hay quy mô. Hòa bình có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Australia và Đông Nam Á vì các quốc gia đều dựa vào các tuyến đường biển mở để phát triển thương mại và kinh tế.
Australia bày tỏ quan ngại với các hành vi hung hăng và cưỡng ép ở Biển Đông, gây nguy hiểm cho tình hình an ninh và tạo nguy cơ tính toán sai lầm; Australia sẽ tiếp tục bày tỏ sự quan ngại khi các quốc gia theo đuổi các yêu sách không phù hợp với UNCLOS. UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, đồng thời tạo nền tảng cho hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực; Australia cùng Timor Leste đã có thực tiễn tốt khi tham gia quá trình hòa giải đầu tiên theo UNCLOS để giải quyết các thỏa thuận hàng hải giữa hai nước một cách hòa bình.
Các đại biểu tham dự đối thoại. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Đại diện từ phía Viện KAS, bà Olivia Schlouch, Quản lý Chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền khu vực châu Á, đánh giá tích cực đối với sự phát triển của chuỗi Đối thoại biển thời gian qua. Đối thoại biển đã trở thành diễn đàn quốc tế uy tín, quy tụ được nhiều chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực biển, các nhà hoạch định chính sách từ nhiều nơi trên thế giới. Luật biển quốc tế, cùng với những tác động đối với hợp tác, bảo vệ môi trường, giải quyết tranh chấp có ý nghĩa quan trọng, xét từ góc độ pháp lý, chiến lược và khu vực.
Bà Olivia tái khẳng định niềm tin vào trật tự đa phương dựa trên luật lệ trong đảm bảo hòa bình, ổn định trên các vùng biển và đại dương trên thế giới. Các cơ chế quy định trong Phần XV UNCLOS cho thấy luật pháp quốc tế đã thiết lập những cách thức hòa bình và có hệ thống để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, bà Olivia Schlouch bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ cho việc Việt Nam giới thiệu ứng cử cho vị trí Thẩm phán tại ITLOS, cho thấy Việt Nam đang ngày càng khẳng định được năng lực, uy tín và thể hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực luật biển quốc tế.
Trước đó, bên lề Đối thoại biển lần thứ 14, tối 6/5, Chánh án Tòa ITLOS, ông Tomas Heidar đã có bài phát biểu dẫn đề quan trọng chia sẻ về vai trò của Tòa ITLOS trong giải quyết hòa bình tranh chấp. Chánh án Tòa ITLOS Tomas Heidar nhấn mạnh Tòa đã nhận được sự tin tưởng mạnh mẽ từ các quốc gia thành viên và chứng minh vai trò hiệu quả trong giải quyết tranh chấp quốc tế về biển. Thông qua việc giải quyết nhiều án lệ quan trọng, ITLOS khẳng định vai trò trung tâm, đóng góp quan trọng trong việc làm rõ và phát triển luật biển.
Chánh án Tomas Heidar khẳng định, ITLOS tiếp tục là diễn đàn chuyên biệt giúp các quốc gia thành viên giải quyết hòa bình và tư vấn pháp lý cho các tranh chấp, góp phần củng cố trật tự pháp lý trên biển trên cơ sở UNCLOS.
Đối thoại biển lần thứ 14 tập trung thảo luận về các nội dung: cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS: Nhìn lại quá khứ; đóng góp của cơ chế giải quyết tranh chấp trong UNCLOS đối với hòa bình và ổn định trên biển; đóng góp của cơ chế giải quyết tranh chấp đối với sự phát triển của luật biển; khám phá triển vọng tương lai của cơ chế giải quyết tranh chấp trong và ngoài UNCLOS.
Trải qua 14 lần tổ chức, Đối thoại Biển đã trở thành một diễn đàn khoa học quốc tế uy tín để các chuyên gia, học giả cùng các nhà hoạch định chính sách cùng tìm kiếm các giải pháp hướng tới hòa bình, ổn định, phát triển, quản trị tốt tại các đại dương.