Cần cơ chế giám sát ngay từ đầu
GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 18- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
Theo đó, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực bao gồm nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý Nhà nước... trong các khâu của quá trình quản lý Nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Mặc dù dự án luật đã chú trọng đến vai trò của Mặt trận tổ quốc các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý Nhà nước về đất đai.
GS.TS Trần Ngọc Đường kiến nghị, tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai từ khâu điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật đất đai mà nên quy định trong tất cả các Chương.
Đồng ý kiến, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật và sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp. Bởi vậy, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: Dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp.
Cùng với đó, cần bổ sung quy phạm về sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương ngay từ khâu đầu tiên của quy trình thu hồi đất để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, việc kiểm định đất đai, nhà ở, cây cối, ao hồ... để định giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
GS.TS. Phạm Văn Điển Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, tại “khoản 2, Điều 85 về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”. Theo thực tế triển khai thì còn thiếu nội dung “xác định giá đất cụ thể phục vụ bồi thường đất”. Vì vậy cần bổ sung thêm nội dung này sau khi thông báo thu hồi đất, đo đạc địa chính khu đất và tiến hành trước thời điểm họp dân kiểm đếm. Thông thường khi tiến hành kiểm đếm thì người dân luôn hỏi chính sách bồi thường, trong đó người sử dụng đất quan tâm nhất là giá bồi thường đất.
Tại “Khoản 2 Điều 94 về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở có quy định hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bố trí tái định cư thông qua hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất và được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở theo quy định của pháp luật. Theo ông Điển, trong quá trình áp dụng, người dân có đất bị thu hồi thường đề nghị tái định cư nếu được vì cấp đất tái định cư có giá hợp lý hơn nên người dân vẫn thích đất tái định cư cho dù vẫn còn thửa đất khác có thể xây dựng nhà ở. Ngoài ra, thửa đất thứ hai có thể ở tại nơi có đất bị thu hồi nhưng cũng có thể ở địa phương khác, tỉnh khác khi thu hồi ở thành phố nhưng còn đất ở quê hoặc ngược lại.
“Vì vậy, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về thửa đất thứ hai là ở đâu. Trường hợp người sử dụng đất vi phạm do khai báo không trung thực để hưởng chính sách tái định cư, hoặc cơ quan thực hiện bồi thường tái định cư do sơ suất để xảy ra sai phạm thì chế tài xử lý thế nào? Khắc phục ra sao khi để xảy ra sai phạm”, GS.TS. Phạm Văn Điển kiến nghị.
Ổn định đời sống người dân sau thu hồi đất
Góp ý vào việc lấy ý kiến rộng rãi ý kiến của người dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay công tác đền bù và tái định cư, giải phóng mặt bằng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn cho việc người dân khi tái định cư, kéo theo đó là ảnh hưởng đến việc làm, việc đi học... Do đó, cần quy định về tái định cư chỗ ở cụ thể cho người dân khi giải phóng mặt bằng, như vậy người dân mới có thể ổn định. Ngoài ra, giá bồi thường đất đai khi thu hồi phải phù hợp với thực tế. Trước đây, bảng giá bồi thường giải phóng mặt bằng rất thấp nên khi bồi thường, hầu như rất khó để tạo được sự đồng thuận của người dân.
Còn theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, dự thảo luật lần này cần thể chế hóa các quy định với tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”. Với những người dân khi nhường đất để Nhà nước thực hiện các dự án, họ mong muốn đảm bảo các điều kiện cụ thể hỗ trợ tái định cư. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, trong các quy định của Luật cũng phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư.
Ngoài ra, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chúng ta phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư, bà Ung Thị Xuân Hương cũng cho rằng, cần thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi.
Tương tự, PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa luật, Đại học Cần Thơ cho biết, khi thực hiện việc thu hồi và bồi thường tái định cư cho người dân cần phân định rạch ròi giữa trường hợp thu hồi đất không có bồi thường và trưng mua quyền sử dụng đất có bồi thường, tái định cư. Điều này không chỉ góp phần minh định hai nhóm trường hợp, mà còn nâng cao nhận thức của công chức thừa hành về quyền và lợi ích chính đáng của người có quyền sử dụng đất bị trưng mua.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai sử đổi mới cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 86 Dự thảo theo hướng phân biệt giữa loại dự án không có mục tiêu lợi nhuận và loại dự án có mục tiêu lợi nhuận được giới hạn.
Một số ý kiến của các Luật sư TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định bồi thường theo nguyên tắc xác định thiệt hại. Tất cả các thiệt hại phải được quy về bồi thường. Hỗ trợ chỉ áp dụng cho những trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, đối tượng chính sách có đất bị thu hồi hoặc nguồn tài trợ từ doanh nghiệp thu hồi đất, có thiện ý “hỗ trợ” thêm cho người dân. Mặt khác, cần cụ thể hóa các quy định ràng buộc về thời điểm thực hiện tái định cư. Điều này, giúp cơ quan lập pháp và hành pháp đánh giá toàn diện những thiệt hại của người có đất bị thu hồi; từ đó mà xây dựng và thực thi các quy định công bằng hơn, khách quan hơn, dân chủ hơn. Điều này cũng đúng với yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là “tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất”.
Ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (từ Điều 89 đến Điều 110), để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, cần nghiên cứu, có quy định cụ thể hơn phù hợp với đặc thù khó khăn của miền núi, hải đảo và tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cần làm rõ nội dung chính sách bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Theo ông Hương, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm để người bị thu hồi đất là dân tộc thiểu số có sinh kế ổn đinh, bảo đảm thu nhập phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn.
Nếu người dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì phải được giao đất ngay và phải phù hợp với tập quán sản xuất, sinh kế của người bị thu hồi đất nếu có quỹ đất. Nếu chuyển nghề phi nông nghiệp thì việc đào tạo, dạy nghề phải gắn với nhu cầu thị trường địa phương không dạy nghề mà thị trường địa phương không có nhu cầu hoặc ít nhu cầu; không ép buộc, dạy các nghề theo kế hoạch của Nhà nước.
UBND cấp tỉnh, huyện hoặc doanh nghiệp sử dụng đất thu hồi có trách nhiệm liên hệ tìm việc làm phù hợp với trình độ, tay nghề của người có đất bị thu hồi, phối hợp với đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động trong việc tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động…
“Thực tế thời gian qua cho thấy, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là ở cấp huyện có nhiều bất cập, dẫn đến kết quả lấy ý kiến và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng cao mang tính hình thức, không thực chất. Việc tham gia chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số khi xây dựng giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có nhiều hạn chế dẫn đến khi thực hiện, đời sống khó khăn hoặc người dân tìm hiểu chính sách, có so bì với các dự án khác và dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện. Do đó, dự thảo luật hoặc các văn bản thi hành luật cần quy định cụ thể hơn, nhất là nội dung, cách thức lấy ý kiến và trách nhiệm thực hiện của địa phương để khắc phục tình trạng này”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiến nghị.
Chia sẻ tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang đô thị, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đã tác động rất nhiều đến công tác thu hồi đất, hỗ trợ, đền bù, tái định cư. Do đó, nội dung này cần được giải quyết.
"Quan điểm tiến bộ hiện nay là sau quá trình thu hồi đất, người dân phải được hưởng lợi ích mang lại từ các dự án phát triển. Sau khi tái định cư, người dân có điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn, hưởng các quyền lợi", Phó Thủ tướng khẳng định.