Đa dạng hóa cây trồngSau đợt hạn hán kỷ lục vào giữa năm, mùa mưa đến các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã trồng xen thêm hàng ngàn ha các loại cây ăn quả lâu năm như bơ, sầu riêng, tiêu… trong vườn cà phê để làm cây che bóng, hạn chế bốc thoát hơi nước, giảm lượng nước tưới trong mùa khô… và còn tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích so với trồng thuần cà phê.
Giống cây trồng chất lượng cao được ươm tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Đắk Lắk). Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, trồng xen cây bơ, sầu riêng, hồ tiêu, mít trong vườn cà phê có tác dụng tốt trong việc điều hòa điều kiện tiểu khí hậu vườn cây, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ cần thiết vào mùa khô góp phần gìn giữ cân bằng môi trường sinh thái, giúp cho vườn cà phê sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Qua thực tế, tại các nông hộ trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê, với mật độ 90 cây/ha đã làm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân từ 60 - 150%, trồng xen bơ thu nhập tăng thêm từ 40 - 90%, trồng tiêu bám trên cây trụ sống làm cây che bóng trong vườn cà phê như muồng đen, keo dậu Cuba, với mật độ 160 - 280 cây trụ sống hay 370 cây tiêu có trụ chết, thu nhập tăng thêm từ 40 - 120%...
Gia đình anh Đỗ Phú, ở thôn Quyết Tâm, xã vùng sâu Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã trồng xen gần 300 cây bơ Booth trái vụ, 450 trụ tiêu xen trong gần 1,5 ha cà phê, mỗi năm thu nhập gần 1,5 tỷ đồng. Anh Phú cho biết: “Việc trồng bơ, hồ tiêu xen trong vườn cà phê có nhiều thuận lợi như bón phân cho cà phê, tiêu thì cây bơ cũng được ăn theo để cũng phát triển. Đặc biệt, trồng cây bơ vừa che bóng, chắn gió, giữ ẩm nên lượng nước tưới cho cà phê vào mùa khô cũng ít hơn so với trồng thuần nhưng năng suất cà phê vẫn không thay đổi, bình quân đạt 4 tấn cà phê nhân/ha”. Gia đình anh Võ Tiến Dũng, ở thôn 2, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột đã trồng xen 1.000 cây sầu riêng, 600 cây cam sành trong vườn cà phê rộng 5 ha, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí còn thu lãi gần 3 tỷ đồng…
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 203.357 ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, việc đa dạng hóa cây trồng trong các vườn cà phê còn hạn chế, mới đạt gần 30% diện tích. Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích đa dạng hóa các loại cây trồng trong vườn cà phê nhằm góp phần phát triển cà phê bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Theo Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Dung, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tài nguyên đất vùng Tây Nguyên với diện tích lớn, phì nhiêu, đặc biệt là có 1,5 triệu ha đất bazan tốt, địa hình khá bằng phẳng, rất thích hợp với trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là vùng sản xuất hàng hóa nông sản và vùng trồng cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Tây Nguyên còn là vùng sản xuất lương thực quan trọng.
Năng suất, sản lượng caoĐến năm 2015, chỉ tính riêng sáu cây công nghiệp chính là cà phê, cao su, điều, tiêu, chè và sắn; trên địa bàn Tây Nguyên đã có 1.137,5 ngàn ha, toàn vùng đã sử dụng hết quỹ đất bazan và các loại đất tốt khác để trồng cây công nghiệp, các vùng cây trồng chính đã ổn định. Do được đầu tư thâm canh cao nên năng suất cà phê và hồ tiêu cao nhất thế giới: Cà phê bình quân đạt 24,9 tạ/ha và hồ tiêu đạt 30,9 tạ/ha (diện tích thâm canh cà phê và hồ tiêu đạt 50-60 tạ/ha).
Nông dân huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông) lựa chọn bơ ghép trước khi trồng. Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN |
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, để có cơ sở quy hoạch và rà soát quy hoạch bố trí vùng trồng cho các loại cây trồng nông nghiệp thì cần đánh giá khả năng thích hợp của đất đai với từng loại cây trồng. Trên cơ sở đánh giá đất đai, có thể loại trừ các vùng trồng ít thích hợp và đề xuất bố trí các cây trồng trên các vùng thích hợp và rất thích hợp để đảm bảo phát triển bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dựa vào yêu cầu sinh thái của cây trồng, kết hợp với các tài liệu về khí hậu nông nghiệp, thủy văn đã lựa chọn 22 chỉ tiêu và mã hóa, phân cấp để xây dựng bản đồ đơn vị đất đai. Toàn vùng Tây Nguyên đã tổng hợp được 14.724 đơn vị đất với diện tích 4.059,1 nghìn ha đang canh tác 10 cây trồng.
Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Dung, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho rằng, sau nhiều năm phát triển nhanh, ngành nông nghiệp bộc lộ các yếu tố thiếu bền vững như: Diện tích rừng suy giảm mạnh do mở rộng đất trồng cây công nghiệp; khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm quá mức để tưới trong mùa khô dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, nhiều diện tích đã hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp cần phải trồng lại chu kỳ thứ 2. Vấn đề khó khăn lớn khi tái canh cà phê và hồ tiêu là sâu bệnh phát sinh gây chết khi cây 2 - 3 tuổi vẫn chưa có biện pháp khắc phục.
Một số diện tích cây công nghiệp thâm canh bón phân hóa học nhiều, mất cân đối, sâu bệnh phát triển, đất bị xói mòn rửa trôi dẫn đến thoái hóa đất. Nhiều diện tích cây lâu năm trồng trước đây không đúng vùng quy hoạch, kỹ thuật canh tác chưa phù hợp, không có đai rừng chắn gió, không có cây che bóng… Nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, nếu đặt nó trong điều kiện ảnh hưởng xấu bởi biến đổi khí hậu thì càng cần thiết phải có chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong đó có sản xuất nông nghiệp. Những vấn đề trên đòi hỏi cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài để phát triển nông nghiệp bền vững ở Tây Nguyên.
Bố trí các cây trồng chính đến năm 2020Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xem xét bối cảnh chung của vùng Tây Nguyên và cả nước, cần cân nhắc phương án với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về GDP bình quân đầu người giữa vùng Tây Nguyên và cả nước, với khả năng và nguồn lực có thể. Trong giai đoạn tới, Tây Nguyên chọn phương án đảm bảo ổn định lương thực cho người và cho chăn nuôi trong điều kiện hạn hán, biến đổi khí hậu. Phương án này lấy mục tiêu phát triển bền vững tạo lập tiền đề cơ bản cho phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Các cây công nghiệp chính vùng Tây Nguyên gồm: Cà phê chiếm 89,6% về diện tích và 92,7% về sản lượng của cả nước. Tương tự, hồ tiêu chiếm 52,6% và 58,2%; sắn chiếm 27,8% và 26%; chè chiếm 16,1% và 23,6%; cao su chiếm 26,4% và 19,1% và điều chiếm 23,6% và 19,1%, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu cà phê (Robusta) và hồ tiêu số một thế giới. Các cây lương thực vùng Tây Nguyên, trong đó có cây lúa không nhiều, chỉ chiếm 3% về diện tích và 2,7% về sản lượng (sản lượng đạt trên 1,2 triệu tấn) song giữ vai trò vô cùng quan trọng cung cấp lương thực tại chỗ cho vùng. Tương tự, ngô chiếm 20,4% và 24,5%. |
Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến năm 2020 diện tích canh tác các cây trồng chính toàn vùng Tây Nguyên là 1.450,5 nghìn ha (chiếm 26,6% diện tích tự nhiên). So với các quy hoạch đã phê duyệt đến năm 2020, diện tích các cây trồng chính ở Tây Nguyên tăng 113,7 nghìn ha. Trong đó đất lúa tăng 22.000 ha, ngô tăng 33.000 ha, sắn tăng 57.000 ha, điều tăng 2,5 nghìn ha, hồ tiêu tăng 32,2 nghìn ha. Duy chỉ có cây cao su giảm 25.000 ha, đậu tương giảm 1.000 ha…
So với hiện trạng năm 2014, đất canh tác 9 loại cây ở Tây Nguyên tăng 33,4 nghìn ha. Như vậy, diện tích của các cây trồng tăng khá so với các quy hoạch đã được phê duyệt trước đây và hiện trạng sản xuất năm 2014 nhưng tiếp tục đầu tư thâm canh tăng năng suất đảm bảo ổn định sản lượng lương thực. Bên cạnh đó xây dựng một số vùng tập trung sản xuất cà phê, hồ tiêu, chè, ngô ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Dung, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp kiến nghị: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của vùng Tây Nguyên phát triển thiếu bền vững, nếu đặt nó trong điều kiện có ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu thì càng cần thiết phải quy hoạch tổng hợp theo 4 lưu vực sông để sử dụng tối ưu tài nguyên đất, nước, rừng và khí hậu, cho phát triển nông nghiệp và kinh tế - xã hội bền vững vùng Tây Nguyên. Vấn đề quan trọng nhất cần phải thực hiện ngay để phát triển bền vững 9 loại cây công nghiệp và lương thực ở Tây Nguyên là tổ chức sản xuất các cây công nghiệp và cây lương thực theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược trả lại chất hữu cơ cho đất canh tác bằng trồng xen cây phân xanh, cây che bóng, đai rừng chắn gió với cây cà phê, tiêu, cao su, điều, chè để giảm sâu bệnh và sản xuất bền vững.
Ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông:
Bất cập chất lượng giống
Khảo sát một số cơ sở ươm và kinh doanh cây giống trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) cho thấy, hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập.
Ngoài nguồn giống sản xuất trong tỉnh, các cơ sở cũng nhập giống từ các tỉnh như: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre về bán. Theo các đại lý, giá của một số loại cây giống như sầu riêng, bơ, hồ tiêu tăng vọt so với năm ngoái. Nguyên nhân là người dân có nhu cầu lớn, trong khi đó năm nay nguồn cung cấp giống khan hiếm do đồng bằng sông Cửu Long bị hạn, mặn nặng. Tuy nhiên, chất lượng cây giống đang là băn khoăn lớn của người dân.
Để đáp ứng cây giống phục vụ sản xuất, nhiều hộ dân đã tự ươm trồng, còn lại thì mua ở các cơ sở kinh doanh. Việc lựa chọn cây giống chủ yếu theo cảm tính, truyền tai nhau hoặc tin tưởng vào lời giới thiệu của những người kinh doanh mà rất ít khi tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, chất lượng cây giống. Người dân băn khoăn về chất lượng giống là có cơ sở bởi nếu mua phải cây giống kém chất lượng thì họ sẽ bị “thiệt đơn thiệt kép”, mất tiền giống, công chăm sóc mà không có thu hoạch. Hơn nữa, nhiều cơ sở kinh doanh giống cây trồng cũng không dám khẳng định cây giống mình bán ra là bảo đảm chất lượng.
Dù một số cơ sở kinh doanh giống cây trồng có quảng cáo, công bố chất lượng sản phẩm rất nổi trội trên bao bì sản phẩm, nhưng trên thực tế về chất lượng giống cây của họ chưa có một cơ quan nào thẩm định. Hiện nay các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh phát triển theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, không có giấy phép kinh doanh. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, qua đó, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh nắm rõ các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực kinh doanh, mua bán cây giống. Hiện nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không mua, đưa vào gieo trồng các loại giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tránh thiệt hại về sau. Bà con nên đọc kỹ các thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác và chủ động đề nghị được xem hóa đơn, nguồn gốc của cây giống trước khi chọn mua.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đắk Hà (Kon Tum):
Chuyển sang trồng cây có thể chịu hạn
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Kon Tum, đối với sản xuất nông nghiệp, đợt hán hạn vừa qua đã làm hơn 4.100 ha cây trồng bị khô hạn; ước tính thiệt hại cho ngành nông nghiệp của tỉnh Kon Tum hơn 100 tỷ đồng. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sản xuất nông nghiệp được giữ vững, ổn định đời sống, ngành chức năng của tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp; trong đó, chủ trọng vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Huyện Đắk Hà là nơi có hơn 7.000 ha cây cà phê và được xem là vựa cà phê lớn nhất của tỉnh Kon Tum. Đợt hạn hán vừa qua, hơn 79 ha bị thiếu nước tưới, hàng trăm ha bị ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Để khắc phục hậu quả của đợt hạn hán, ổn định đời sống cũng như sản xuất, ngay từ đầu mùa mưa huyện đã nạo vét, tu sửa các công trình thủy lợi, hồ, đập chứa nước; sử dụng các nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương để hỗ trợ cho người dân ổn định đời sống, tiến hành sản xuất nông nghiệp đúng thời vụ.
Phòng NN&PTNT Đắk Hà đã khảo sát tình hình thiệt hại ở các xã, lập kế hoạch xin cấp kinh phí để hỗ trợ tiền mua giống lúa cho các diệt tích bị thiệt hại; hỗ trợ lượng thực cứu đói mùa giáp hạt cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng; hỗ trợ phân bón, chăm sóc cho những diệt tích bị thiệt hại về năng suất; nạo vét, sửa chữa các công trình thủy lợi, giếng nước… Trước mắt Phòng NN&PTNT Đắk Hà đã trích kinh phí 1 tỷ 563 triệu đồng để hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho người dân ổn định đời sống
Tỉnh Kon Tum hiện nay đã chuyển đổi được 412 ha diện tích trồng lúa sang trồng ngô, đậu các loại… Trong thời gian tới, trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, ngành chức năng tỉnh Kon Tum tiếp tục thống kê những diện tích thường xuyên bị hạn hán, mất trắng để chuyển đổi sang những cây trồng có khả năng chịu hán và có giá trị kinh tế cao.
Bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa:
Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Tỉnh Khánh Hòa đang tập trung phát triển trồng cây chủ lực gắn với thương hiệu; trong đó, bưởi da xanh tại huyện Khánh Vĩnh là một trong những sản phẩm được chọn để phát triển trong thời gian tới.
Tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng thương hiệu cho tỏi, cây trồng chủ lực ở các xã ven biển của thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh những năm gần đây, với khoảng 500 ha. Nhiều địa phương ở Khánh Hòa tiếp tục phát triển thương hiệu cho cây trồng chủ lực như, huyện miền núi Khánh Sơn có trên 400 ha sầu riêng; huyện Cam Lâm có hơn 4.000 ha xoài Australia, Cát Hòa Lộc và canh nông; thị xã Ninh Hòa có dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang…
Tuy nhiên, một mình địa phương không thể giúp nông dân xây dựng được thương hiệu, mà phải có sự tham gia của ngành khoa học công nghệ, nông nghiệp. Khó khăn nhất hiện nay là tỉnh thiếu nguồn vốn để đầu tư hệ thống tưới, công nghệ bảo quản sau thu hoạch… cho vùng cây trồng chủ lực.
Để giải quyết khó khăn này, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cân nhắc vay vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã phê duyệt Chương trình “Phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng” giai đoạn 2016 - 2020, nhằm hỗ trợ xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu.
PV |