Chính sách hỗ trợ của chính phủ
Theo Công điện số 8149/CĐ-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 7/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Y tế thực hiện phân bổ khẩn trương số vaccine đã tiếp nhận, chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm vaccine ngay khi nhận được, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tổ chức lực lượng hỗ trợ các địa phương tiêm vaccine nhanh nhất có thể.
Các bộ, ban chỉ đạo phòng, chống dịch, UBND các cấp tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...; yêu cầu thực hiện nghiêm an toàn covid; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.
Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế nêu rõ: Quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường.
Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.
Công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập; không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Về việc mở rộng hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, mở rộng hỗ trợ người lao động, bổ sung hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật.
Trong tuần qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất mở lại các chuyến bay quốc tế đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ theo 3 giai đoạn. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất bay lại quốc tế đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất điều kiện để mở lại bay quốc tế: hành khách nhập cảnh Việt Nam phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARSCoV-2 trong 72 giờ; hành khách phải cài đặt và khai báo y tế điện tử, sàng lọc y tế tại cảng hàng không nơi đến...
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ áp dụng nhiều chính sách giảm giá vé tàu dịp Tết Nhâm Dần 2022; trong đó giảm 40% đối với hành khách mua vé cá nhân xa ngày đi tàu. Cụ thể, từ ngày 20/1 đến hết ngày 13/2/2022, ngành đường sắt sẽ chạy 8 đôi tàu chính hàng ngày gồm: SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, SE11/12, SE21/22, NA1/2, SE35/36. Ngoài ra, còn có 3 đôi tàu chạy tăng cường trong dịp cao điểm gồm: SE9/10, SE13/14, SE23/24.
Để đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách yên tâm đi tàu trong mùa dịch và đáp ứng nhu cầu muốn có không gian riêng khi đi tàu cùng gia đình, người thân hoặc theo nhóm, ngành đường sắt chính thức cung cấp dịch vụ nguyên khoang, nguyên toa từ ngày 12/11/2021. Đây là sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu riêng của một bộ phận hành khách và đón đầu xu hướng gia tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã thông báo đến các địa phương và đơn vị trực thuộc hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ở 4 cấp độ. Hướng dẫn tạm thời của Bộ Xây dựng được áp dụng cho hoạt động thi công xây dựng công trình trên toàn quốc, bao gồm cả hoạt động sản xuất vật tư, vật liệu, cấu kiện đúc sẵn tại công trường, nhưng không áp dụng cho các hoạt động sản xuất tại nhà máy.
Chính sách hỗ trợ của địa phương
Tại Hải Phòng, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hải Phòng đã có thông báo số 3698/SGTVT-QLVT về việc khôi phục hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định từ Hải Phòng đến tỉnh Quảng Bình, tỉnh Đắc Lắk và ngược lại. Cụ thể, khôi phục tất cả các tuyến đi đến tỉnh Quảng Bình 20% số chuyến của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở Giao thông vận tải thành phố Hải Phòng công bố; đi đến tỉnh Đắc Lắk 30% số chuyến của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở Giao thông Vận tải thành phố Hải Phòng công bố.
UBND thành phố Hải Phòng cũng đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông vận tải thành phố về việc cho phép hoạt động trở lại các bến phà trên địa bàn thành phố Hải Phòng kết nối với tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, sau khi được hoạt động trở lại, các bến phà phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của thành phố Hải Phòng tại Văn bản số 8054/UBND-VX ngày 22/10/2021 hướng dẫn tạm thời một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải lĩnh vực đường thủy nội địa của Bộ Giao thông Vận tải và các quy định khác có liên quan.
Tại Lào Cai, nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch 387/KH-UBND về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022.
Theo đó, tỉnh Lào Cai đã đề ra 11 giải pháp, nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn trong năm 2022 gồm: tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hỗ trợ tiếp cận vốn, tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Tại Cần Thơ, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã ký ban hành thông báo về việc tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách bằng phương tiện thủy trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ 0 giờ ngày 11/11 cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, vận tải hành khách bằng phương tiện thủy tuyến nội tỉnh gồm: bến khách ngang sông, bến khách du lịch, phương tiện chở khách cho phép hoạt động không vượt quá 50% số người được phép chở trên phương tiện.
Đối với tuyến vận tải hành khách liên tỉnh gồm: bến khách ngang sông liên tỉnh, bến hành khách tuyến cố định liên tỉnh, bến hành khách tuyến từ bờ ra đảo cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số người được phép chở trên phương tiện. Riêng tuyến từ bờ ra đảo (tuyến Cần Thơ- Côn Đảo) tạm thời chưa hoạt động, sau khi có ý kiến thỏa thuận của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ sẽ có thông báo sau.