Tạo thuận lợi khi thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trực tuyến

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2023, toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm xử lý kịp thời, công khai, đầy đủ, đúng quy định các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và nhân dân.

Chú thích ảnh
Bảo hiểm xã hội quận Long Biên là một trong 30 quận, huyện của Hà Nội đã có hàng trăm người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện sau các hội nghị tuyên truyền về chế độ, chính sách tại cơ sở. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiến hành cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020. Đồng thời, hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, cơ quan này phấn đấu 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở. 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan Bảo hiểm xã hội, trong đó mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%.

Trong kế hoạch xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sẽ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, đảm bảo nguyên tắc dữ liệu chỉ từ một nguồn, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin dữ liệu. 80% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện ở mức độ toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng hướng đến mục tiêu 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của ngành. 100% hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và/hoặc Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoặc các nền tảng khác theo quy định; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đã được chia sẻ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì không phải cung cấp lại. Đây có thể nói là những bước cải cách vượt bậc, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện.

Hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, giải đáp các phản ánh, kiến nghị, thông qua Tổng đài 1900 9068, chuyên trang Bảo hiểm xã hội Việt Nam với tổ chức, cá nhân, Cổng thông tin điện tử của ngành… Riêng chuyên trang Bảo hiểm xã hội Việt Nam với tổ chức, cá nhân đến nay đã có trên 170,6 triệu lượt truy cập, nhận và giải đáp gần 17,8 nghìn câu hỏi, hàng chục phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến việc giải quyết hồ sơ, thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Mới đây, làm việc với Đoàn công tác của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về hoạt động hỗ trợ tái cấu trúc các thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cho biết, ngành thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính trên cơ sở kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành liên quan nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với USAID thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ của ngành gắn với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số theo Đề án 06. Năm 2023, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, nhất là hỗ trợ thực hiện tái cấu trúc đối với 8 dịch vụ công quan trọng phục vụ người dân, doanh nghiệp liên quan đến việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế…

Nằm trong những nỗ lực giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh thông qua hỗ trợ hoàn thiện khung chính sách và tăng cường tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, từ năm 2018, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).

Theo bà Nguyễn Khánh Cẩm Châu, Trưởng ban Quản trị nhà nước, Cố vấn phát triển số của USAID Việt Nam, chương trình hỗ trợ Bảo hiểm xã hội Việt Nam nâng cao năng lực tái cấu trúc các thủ tục hành chính thông qua việc hỗ trợ tái cấu trúc đối với 8 dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp để tăng cường nỗ lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các mục tiêu về Chính phủ điện tử, nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Theo đó, việc hỗ trợ tái cấu trúc các dịch vụ công bao gồm: Rà soát cơ sở pháp lý và quy định hiện hành về nội dung thủ tục hành chính; sơ đồ hóa quy trình nghiệp vụ từng dịch vụ công theo thực tế đang triển khai; đưa ra các giải pháp và khuyến nghị nhằm cải tiến quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

USAID sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam chọn một trong số 8 dịch vụ công ưu tiên để thực hiện đánh giá trải nghiệm người dùng (theo Đề án 06) và Cổng dịch vụ công quốc gia, cũng như các hệ thống thông tin quốc gia có liên quan khác. Trên cơ sở kết quả thu được, dự án sẽ khuyến nghị những giải pháp để cải tiến các dịch vụ công khác, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục trực tuyến.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Linh hoạt các giải pháp tăng thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Linh hoạt các giải pháp tăng thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 13/2, nhiều giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển nhanh số người tham gia một cách bền vững đã được các đơn vị, địa phương nêu lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN