Ngành BHXH Việt Nam thích ứng linh hoạt

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động đổi mới, sáng tạo, thích ứng linh hoạt trong công tác đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và doanh nghiệp.

Tạo điều kiện cho người thụ hưởng

Ông Trần Mai Phong (83 tuổi), nhà A12 khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội hào hứng khi nhận 2 tháng lương hưu dịp tháng 9 và 10 cùng một kỳ. Ông Trần Mai Phong kể lại, dịp đó, Hà Nội thực hiện giãn cách nên cơ quan BHXH phối hợp với Bưu điện đã bố trí cho người hưởng lương hưu được nhận lương hưu tại trường học có không gian thoáng, đảm bảo phòng dịch. Đồng thời, lần đó tôi cũng được hướng dẫn nhận lương hưu qua thẻ ATM. Các kỳ lĩnh lương hưu sau đó, cứ đến ngày giờ là tài khoản ting ting báo lương hưu đã được chuyển, giúp tôi không phải đi lại, đến chỗ đông người nhận lương hưu, đảm bảo quy định phòng dịch mà vẫn được lĩnh lương hưu đầy đủ, kịp thời theo quy định.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với công nhân, lao động về công tác hỗ trợ BH thất nghiệp.

Theo đại diện cơ quan BHXH Hà Nội, trong kỳ chi trả lương hưu tháng 9 và tháng 10/2021 vào cùng một kỳ, thời gian chi trả qua tài khoản ATM bắt đầu từ đầu tháng. Số người hưởng lương hưu trên địa bàn Hà Nội là 588.636, trong đó trả qua thẻ ATM là 188.504 người, chiếm hơn 32%. Việc chi trả qua thẻ ATM nhanh chóng với tổng số tiền là 2.168 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày đã hoàn thành. Còn chi trả tiền mặt theo vùng dân cư, theo cấp độ dịch nên thời gian kéo dài hơn nhưng vẫn đảm bảo kịp thời chuyển đến tận tay người thụ hưởng.

Trong năm qua, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài, BHXH Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia và an toàn phòng chống dịch COVID-19, như: đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả lương hưu tại nhà, linh hoạt trong chuyển tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT…

Theo đó, ước toàn ngành đã giải quyết khoảng 95.762 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; chi trả 6.698.566 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 626.397 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 118,721 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú.

Những kết quả này một lần nữa cho thấy quyết tâm chính trị của toàn Ngành trong việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách; theo đó, quyền lợi an sinh của người dân tiếp tục được quan tâm đảm bảo tốt hơn trong đại dịch, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Hỗ trợ kịp thời lúc khó khăn

Trăn trở trước những khó khăn kéo dài do đại dịch, BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu, phối hợp với các Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN để tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ). Đặc biệt là gói hỗ trợ trên 30.000 tỉ đồng từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay.

Chú thích ảnh
Hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Ngay sau khi các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ được ban hành, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ, với phương châm đưa chính sách đến với doanh nghiệp và NLĐ nhanh nhất, thuận tiện nhất. Kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, chỉ sau 7 ngày, toàn Ngành đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày còn 1 ngày làm việc; thành lập các Đoàn công tác để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Tính đến ngày 28/12/2021, toàn Ngành đã giải quyết cho 846 đơn vị với 160.218 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.113 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.012.864 NLĐ của 70.804 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách hỗ trợ.

Trong thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, trong vòng 5 ngày (đến 5/10/2021), toàn Ngành đã hoàn thành việc gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào quỹ BHTN đến 363,6 nghìn đơn vị SDLĐ, với số tiền điều chỉnh giảm khoảng 7.594,6 tỷ đồng. Hiện đã có hơn 12,9 triệu người lao động được nhận hỗ trợ từ quỹ BHTN với tổng số tiền hơn 30,7 nghìn tỷ đồng.

Anh Lại Văn Quân (Hoàng Mai, Hà Nội), hướng dẫn viên du lịch cũng chia sẻ, dịp cuối năm vừa rồi, tôi đã nhận được 2,1 triệu tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ. Hai năm qua, dịch COVID-19 khiến tôi thất nghiệp và chuyển nghề. Trước đó tôi có tham gia đóng BHXH công ty cũ. “Nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN giúp tôi san sẻ phần nào khó khăn trong giai đoạn dịch”, anh Quân chia sẻ.

Đó cũng là tâm trạng chung của gần 13 triệu người lao động khi nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 116 từ cơ quan BHXH. Điều đó cho thấy ngành BHXH Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người tham gia và an toàn phòng chống dịch COVID-19.

Có được thành công trên là do ngành BHXH Việt Nam thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số, như: đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL quốc gia về bảo hiểm (là một trong 6 CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử); liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành (nhất là CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an, kết quả đến nay đã thực hiện xác thực thông tin của gần 10,3 triệu công dân với CSDL quốc gia về dân cư.

Đặc biệt ứng dụng “VssID - BHXH số” đã có gần 25 triệu người cài đặt, sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, thực hiện các dịch vụ công, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi KCB… Có thể thấy, ứng dụng VssID đã đem đến thành công bước đầu trong chuyển đổi số của Ngành.

BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả, đã có trên 57% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị, tăng 9% so với năm 2020 (tăng 28% so với năm 2019 là thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP), vượt 7% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc chi trả nhanh, gọn, dứt điểm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng lúc NLĐ, NSDLĐ đang gặp khó khăn có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống người lao động, nhất là những lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch COVID-19, sớm ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Xuân Cường/Báo Tin tức
BHXH Việt Nam trao tặng gần 600 sổ BHXH, hơn 10.000 thẻ BHYT
BHXH Việt Nam trao tặng gần 600 sổ BHXH, hơn 10.000 thẻ BHYT

Chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT, trao quà - mang Tết ấm đến với người nghèo Xuân Nhâm Dần 2022” được BHXH Việt Nam đồng loạt triển khai ở 63 tỉnh, thành từ ngày 17-20/1/2022. BHXH Việt Nam trao tặng gần 600 sổ BHXH, hơn 10.000 thẻ BHYT và trên 3.000 phần quà tới người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN