Lợi ích từ tấm thẻ BHYT
Mới đây, trên đường đi học về, em Mai Hải A- HS Lớp 11A5 (Trường THPT Cao Lộc) không may bị gãy chân do tai nạn giao thông. Trong suốt thời gian điều trị, may mắn em A. có tham gia BHYT, nên được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí viện phí, thuốc men. “Qua sự việc không may này em mới nhận thức được BHYT có ý nghĩa rất lớn, và nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT”- em A. chia sẻ.
Theo thống kê, trong năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 442 cơ sở giáo dục với 154.489 HSSV tham gia BHYT, trong đó có 85.561 em thuộc diện tham gia BHYT tại trường, còn lại đã được cấp thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng khác. Đáng chú ý, có 8 huyện, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT như: Thành phố Lạng Sơn, Hữu Lũng, Cao Lộc, Chi Lăng, Lộc Bình, Văn Lãng, Tràng Định, Bắc Sơn; 3 huyện còn lại đạt từ 99,21% đến 99,86% là Bình Gia (99,86%), Văn Quan (97,84%), Đình Lập (99,21%). Tính đến hết năm học 2022-2023, tỉnh Lạng Sơn chỉ còn 28 HSSV chưa tham gia BHYT, chỉ chiếm 0,02% so với số HS thuộc diện tham gia tại trường học.
Cùng với việc tích cực vận động HSSV tham gia BHYT, công tác y tế trường học cũng được quan tâm. Theo đó, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) của các em HSSV được mở rộng và đảm bảo kịp thời. Nhiều em HSSV bị ốm đau, tai nạn đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như: Em Nguyễn Duy A. trú tại phường Vĩnh Trại (TP.Lạng Sơn) được quỹ BHYT chi trả gần 280 triệu đồng; em Bùi Văn Đ. trú tại phường Tam Thanh (TP.Lạng Sơn) được chi trả gần 200 triệu đồng; em Hứa Tiến N. trú tại xã Hoàng Văn Thụ (huyện Văn Lãng) được chi trả trên 160 triệu đồng…
Để có được kết quả ấn tượng trên, ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học mới, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam cũng như các cấp, các ngành có liên quan trên địa bàn tổ chức tổng kết, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến công tác BHYT HSSV; từ đó thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tập trung phân tích rõ những tồn tại, hạn chế; phát động phong trào thi đua phấn đấu đạt 100% HSSV tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh Lạng Sơn đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tìm giải pháp huy động sự hỗ trợ của cộng đồng để đóng BHYT cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn; đưa kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT vào đánh giá chất lượng cán bộ, giáo viên hằng năm. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các huyện nâng cao công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện trong việc chỉ đạo chính sách BHYT HSSV, trong đó có việc đầu tư nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu trong các trường học…
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Về định hướng nhiệm vụ trong năm học 2023-2024, BHXH tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Trên cơ sở đó, phối hợp với ngành Y tế làm tốt công tác KCB, đảm bảo quyền lợi cho HSSV có thẻ BHYT khi không may ốm đau, tai nạn phải vào BV điều trị; phối hợp với Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác y tế trường học, quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và các hoạt động giáo dục thể chất, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe HSSV.
BHXH tỉnh Lạng Sơn cũng xác định, việc thực hiện chính sách BHYT HSSV là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành Giáo dục đóng vai trò nòng cốt mang lại thành công. Do đó, trong năm học mới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn công tác thu BHYT HSSV, cấp kinh phí thực hiện y tế học đường; tuyên truyền tới các bậc phụ huynh và HSSV về vai trò, ý nghĩa của chính sách. Qua đó, quyết tâm phấn đấu trong năm học 2023-2024 đạt 100% HSSV tham gia BHYT.
Theo cô Lê Thị Mạnh Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An (TP Lạng Sơn)- đơn vị nhiều năm liền thực hiện tốt công tác BHYT HSSV, được sự chỉ đạo sát sao của Sở GD-ĐT, cùng sự phối hợp chặt chẽ của BHXH tỉnh, ngay từ những ngày đầu năm học 2023-2024, nhà trường đã triển khai hướng dẫn thu, cấp thẻ BHYT HSSV đến đội ngũ giáo viên chủ nhiệm để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT đến các phụ huynh và HS. Năm học này, trường có tổng số 1.024 HS, trong đó có 125 em được cấp thẻ BHYT đối tượng khác, 896 em thuộc diện phải đóng BHYT tại trường. Để công tác thu BHYT HSSV đạt kết quả tốt, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT, đảm bảo 100% HS tham gia BHYT.
Ông Hoàng Hữu Quang- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lạng Sơn cũng nhấn mạnh, theo quy định của Luật BHYT, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Khi tham gia chính sách này, các em sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học; còn nếu đi KCB, các em không chỉ được tiếp cận các dịch vụ y tế, mà còn được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về tài chính. “Do đó, việc tham gia BHYT không những là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm tuân thủ pháp luật, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” của người dân Việt Nam, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng”- ông Quang chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàng Hữu Quang, để thực hiện chính sách BHYT HSSV được bền vững, BHXH tỉnh và Sở GD-ĐT cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc quán triệt, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm tới Ban Giám hiệu, cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên trong các trường học. Đặc biệt, công tác truyền thông cũng cần được BHXH tỉnh chú trọng đổi mới, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng địa phương, vùng miền và từng nhóm đối tượng. “Với sự chủ động của BHXH tỉnh và Sở GD-ĐT, cùng sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận toàn xã hội, chắc chắn công tác BHYT HSSV trong năm học 2023-2024 sẽ đạt được kết quả như mong đợi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh”, ông Quang nhấn mạnh.