Hà Nội thực hiện đồng bộ giải pháp mở rộng độ phủ BHYT

Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế đến 93,5% dân số, tiến dần tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Để hoàn thành mục tiêu này, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đưa chính sách an sinh vào đời sống.

Tiếp tục mở rộng

Nhằm khắc phục các tồn tại đồng thời phát huy những kết quả đạt được, năm 2023 và những năm tiếp theo, cả hệ thống chính trị Thủ đô sẽ vào cuộc, đưa bảo hiểm y tế tiếp tục mở rộng diện bao phủ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt.

Giải pháp được ưu tiên thực hiện là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân thấy rõ tính hiệu quả, sự hấp dẫn của chính sách để chủ động tham gia. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với 186 cơ sở y tế từ tuyến trung ương tới tuyến quận, huyện, thị xã. Hệ thống trạm y tế các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố cũng đón tiếp, phục vụ bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. “Chúng tôi có thể đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở nơi gần nhất, rất thuận tiện”, anh Nguyễn Văn Thanh (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) cho hay.

Chú thích ảnh
Đăng kí khám chữa bệnh bằng BHYT. 

Cùng với việc cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh, các cơ quan chức năng còn chú trọng kiểm soát Quỹ Bảo hiểm y tế. “Dự kiến, năm 2023, Hà Nội có hơn 11 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền chi khoảng 20.500 tỷ đồng. Để số tiền từ quỹ chi đúng, phù hợp, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các cơ sở y tế có chi phí cao bất thường, qua đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến thông tin.

Giải pháp quan trọng khác được triển khai là tăng cường tuyên truyền về tính ưu việt của bảo hiểm y tế đến đông đảo người dân, để mỗi người thấy rõ sự cần thiết mà đăng ký tham gia. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, các sở, ban, ngành, địa phương có phương án tặng thẻ bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ thêm tiền mua thẻ cho họ. Ở cấp cơ sở, nhiều địa phương chủ động cân đối, bố trí kinh phí để tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn, thành viên hộ gia đình mới thoát nghèo, cận nghèo. Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, năm 2023, quận hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho thành viên các hộ gia đình mới thoát khỏi diện hộ cận nghèo, giúp họ có thêm điểm tựa để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gần 7,74 triệu người có tấm thẻ an sinh

Trong năm qua, tiêu chí để đánh giá hiệu quả của việc triển khai, thực hiện các chính sách là số lượng người tham gia, hưởng lợi. Với bảo hiểm y tế, chính sách này hiện đã bao phủ tới 92,9% dân số, tương ứng với gần 7,74 triệu người dân Thủ đô có tấm thẻ an sinh để khám, chữa bệnh khi cần, chính là con số biết nói để khẳng định tính hiệu quả.

Đáng chú ý, số người hưởng lợi từ chính sách ngày càng mở rộng, mức hưởng ngày một tăng. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, riêng năm 2022, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tiến hành điều trị cho hơn 10,7 triệu lượt bệnh nhân bảo hiểm y tế, với tổng số tiền chi từ Quỹ Bảo hiểm y tế là gần 19.170 tỷ đồng. Mức chi bình quân gần 600.000 đồng/đợt điều trị ngoại trú và hơn 8,1 triệu đồng/đợt điều trị nội trú. So với năm 2021, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 24,9%, chi phí tăng 20,8%.

Nhờ được chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh, không ít bệnh nhân thoát khỏi "lằn ranh sinh tử"; còn gia đình họ không bị rơi vào cảnh khốn khó do phải tiêu tốn khoản tiền rất lớn để điều trị bệnh. Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân D.V.T., phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng), điều trị cùng lúc nhiều loại bệnh nặng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với tổng chi phí hơn 2,036 tỷ đồng, trong đó Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hơn 1,721 tỷ đồng vào năm 2022. Cũng trong năm 2022, bệnh nhân N.V.C., phường Phương Mai (quận Đống Đa) điều trị tại Bệnh viện E với bệnh sốc (choáng) nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, suy tim, suy thận, suy giáp… được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí điều trị với số tiền 1,183 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Hà Nội còn có 28 bệnh nhân được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với số tiền lớn, từ 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. “Số tiền chi phí khám, chữa bệnh thể hiện rõ tính nhân văn, chia sẻ và lợi ích thiết thân khi tham gia bảo hiểm y tế”, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tám nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bảo hiểm y tế vẫn chưa bao phủ kín đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia là học sinh, sinh viên (hiện đạt 98,7%); bảo hiểm y tế hộ gia đình chưa đến với 100% thành viên; công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn một số bất cập.

Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức
Hà Nội: Phấn đấu thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Hà Nội: Phấn đấu thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Năm 2023, Hà Nội phấn đấu có thêm 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN