Đoàn kết xây dựng nông thôn mới
Xã Thượng Mỗ (Đan Phượng) đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Đối với lĩnh vực y tế, Trạm y tế của xã được xây dựng mới năm 2019 trên diện tích gần 2.000m² gồm 13 phòng, đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh. Thực hiện kế hoạch của huyện Đan Phượng về mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Trạm y tế xã đã tuyên truyền cho người dân mắc bệnh không lây nhiễm đến trạm để được quản lý khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh tiểu đường và huyết áp.
Năm 2022, Trạm y tế xã Thượng Mỗ đã khám cho hơn 13.000 lượt người. Trạm quản lý 382 bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp (trong đó lập sổ khám, cấp thuốc hằng tháng cho 369 bệnh nhân); 112 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường (trong đó, lập sổ khám, cấp thuốc hằng tháng cho 92 bệnh nhân), đa số bệnh nhân đạt mục tiêu điều trị. Cùng với đó, từ năm 2018 đến nay, Trạm y tế xã đã quản lý sức khỏe cho 99,5% người dân trong xã…
Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội nhận xét: Đan Phượng là huyện dẫn đầu của thành phố Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, với 11/15 xã hoàn thành. Kết quả đạt được khẳng định nỗ lực, quyết tâm rất lớn của đảng bộ, chính quyền địa phương và sự chung tay góp sức của nhân dân. Với cách làm khoa học, bài bản, sáng tạo… kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Đan Phượng rất đáng để các địa phương khác trong thành phố học tập.
Trong khi đó, huyện Đông Anh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2020-2025”.
Với sự vào cuộc quyết liệt cùng nhiều giải pháp cụ thể, năm 2022, Đông Anh có thêm 8 xã Kim Chung, Đông Hội, Dục Tú, Cổ Loa, Vân Nội, Uy Nỗ, Việt Hùng, Nam Hồng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện lên 12 xã và xã Liên Hà đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, năm 2022, huyện Gia Lâm có 8 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao là: Kiêu Kỵ, Dương Hà, Ninh Hiệp, Kim Lan, Văn Đức, Đa Tốn, Lệ Chi, Phú Thị; 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là: Phù Đổng, Cổ Bi, Dương Xá…
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đối mặt với không ít thách thức, điển hình như: Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Tuy vậy, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố vẫn đạt rất cao, vượt mục tiêu đề ra.
Duy trì phong trào rộng khắp
Năm 2023, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu có thêm 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, năm 2023, huyện tập trung chỉ đạo các xã duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu 4 xã còn lại là: Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, Đan Phượng sẽ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Đan Phượng đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, năm 2023, Đông Anh tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị. Huyện sẽ mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông thôn mới từ huyện đến xã, thôn... Đông Anh phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nền tảng để xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Trong đó, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đến nay Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Những mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường, điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Nhà máy sản xuất nấm Kim châm công nghệ Nhật bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức); Công ty CP Giống gia súc Hà Nội.
Nhờ đó, trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 3 huyện gồm: Ứng Hòa đã được Đoàn thẩm tra TP thẩm định, hiện đang hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu để làm cơ sở báo cáo UBND TP theo quy định. Huyện Ba Vì, huyện Mỹ Đức đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí, phấn đâu hoàn thành huyện NTM trong năm 2022; hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quý I/2023.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá: Nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp đã và đang dẫn đầu cả nước như chương trình OCOP, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… Bên cạnh đó, sự chuyển dịch, ứng dụng công nghệ cao đã giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng đạt mục tiêu, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế Thủ đô. Hà Nội cần có hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô. Ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, tập trung phát triển các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thị; hình thành các kênh phân phối; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành Nông nghiệp Thủ đô xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp...; đồng thời, đề nghị UBND thành phố sớm bố trí kinh phí cho các huyện xây dựng nông thôn mới, các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 để triển khai sớm các nội dung.