Ứng dụng công nghệ thông minh để điều hòa giao thông

Ngày 30/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác an toàn giao thông quý I/2018. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. Nguồn: baochinhphu.vn

Số người chết vì tai nạn giao thông tăng 1,66%

Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy trong quý I/2018, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, mức giảm tai nạn giao thông không đạt yêu cầu. Toàn quốc xảy ra 4.674 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.149 người, bị thương 3.627 người. So với quý I năm 2017, số vụ tai nạn giao thông tuy giảm 139 vụ tương đương 2,89%, song số người chết lại tăng 1,66%. Vẫn còn đến 27 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 14 tỉnh tăng trên 40%, đặc biệt có 3 tỉnh có số người chết tăng từ 150% trở lên là: Cà Mau, Tây Ninh, Cao Bằng.

Những tháng đầu năm còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Đặc biệt loạt vụ tai nạn giao thông giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong đó có vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa đi làm nhiệm vụ chạy ngược chiều giao thông và xe ô tô chở khách trên đường cao tốc ngày 18/3 đã làm 5 người chết, nhiều người bị thương, làm ùn tắc giao thông kéo dài 30 km và diễn ra trong hơn 6 giờ.

Tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trên là do các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ tăng, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do những hạn chế về hiệu lực trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn ngoài đô thị, chưa đủ lực lượng, phương tiện để khép kín địa bàn tuần tra kiểm soát; còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là trong dịp nghỉ Tết, ở khu vực nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sắp tới, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ nghiên cứu để điều chỉnh hành trình tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh thông qua địa bàn Hà Nội để giảm thiểu ùn tắc giao thông và tránh dừng, đỗ, đón khách, thống nhất nâng cao chất lượng hoạt động của xe taxi truyền thống, sớm có hướng dẫn thực hiện việc thu phí không dừng tại các điểm BOT để giảm ùn tắc trên cao tốc.

Đề nghị thí điểm một số điểm dừng, đón trả khách trên đường cao tốc

Thông tin về loạt vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày 18/3, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, đã xảy ra liên tiếp 2 vụ va chạm, 4 vụ tai nạn giao thông làm chết 5 người, bị thương 5 người, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, trong đó có vụ tai nạn giao thông giữa xe cứu hỏa với xe khách. Nguyên nhân điều tra ban đầu xác định là do lái xe không giữ khoảng cách an toàn trong điều kiện trời mưa, đường trơn, có sương mù làm giảm tầm nhìn của lái xe và giảm hiệu quả xử lý phanh của xe ô tô. Công an thành phố Hà Nội đã giao Phòng Cảnh sát Hình sự PC45 khẩn trương tiến hành điều tra để xác định nguyên nhân vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách.

Từ thực tế công tác cứu hộ, cứu nạn trong loạt vụ tai nạn này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát, dành quỹ đất để xây dựng các đồn trạm, nơi dừng chân của Cảnh sát Giao thông, trạm y tế cấp cứu, trạm cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến cao tốc. Đội ngũ cứu hộ, cứu nạn phải tinh nhuệ, phương tiện trang bị phải hiện đại đáp, ứng được yêu cầu.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay: trong giải quyết ùn tắc ngày 18/3, có hai trường hợp, một trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi nguy kịch và một trường hợp bình thở oxy gần hết, chúng tôi phải dùng xe của Cảnh sát Giao thông để dẫn đường, đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Ông đề nghị với các tuyến cao tốc, cần trang bị máy bay trực thăng để cứu nạn, với sự tham gia của lực lượng quân đội và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương thí điểm một số điểm dừng, đón trả khách trên đường cao tốc như Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Lào Cai để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và tạo điều kiện cho lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, vì hiện số lượng trạm dừng nghỉ quá ít, người dân trèo qua dải phân cách, tập trung trên cao tốc, Cảnh sát Giao thông xử lý không xuể. Đồng thời, điều chỉnh vận tốc phù hợp với từng đoạn, tuyến cao tốc, điểm vào, ra, lắp đặt biển báo đầy đủ giúp người dân an toàn khi tham gia giao thông.

Bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu hộ, cứu nạn

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý I/2018 và Công điện số 1882/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân 2018.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ban hành và thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2018; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước về việc thực hiện quy định đã uống rượu bia thì không lái xe và phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông.

Để từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc không cho phép tiếp tục xây dựng nhà cao tầng trong khu vực trung tâm; tiến hành chỉnh trang đô thị, tập trung xây dựng hạ tầng hiện đại như cầu vượt, hầm chui, phát triển các khu đô thị vệ tinh, bố trí lại lực lượng dân cư lao động để giảm áp lực cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. “Có tính toán, nghiên cứu cho những năm tiếp theo, phải ứng dụng công nghệ thông minh để điều hòa giao thông, xây dựng các trung tâm điều hành, lắp đặt camera giám sát tổng hợp phục vụ cho cả an ninh trật tự, an toàn giao thông”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm; phối hợp với ngành giao thông vận tải xây dựng các phương án phân luồng, xử lý các trường hợp ùn tắc giao thông; rà soát, sửa đổi, bổ sung các phương án phân luồng giao thông khu vực thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương lân cận; nghiên cứu quy định tiêu chí đánh giá ùn tắc giao thông; tăng cường công tác tập huấn, diễn tập cứu hộ, cứu nạn tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là công tác chỉ huy, phối hợp và thực hành của các lực lượng liên quan trong quá trình thực hiện cứu hộ, cứu nạn các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc, giúp nâng cao năng lực và bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bổ sung các quy định về an toàn kỹ thuật phương tiện, đặc biệt là đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, xem xét bổ sung các quy định này trong điều kiện về phương tiện kinh doanh vận tải trong Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, như quy định về dán phản quang để tăng khả năng nhận diện vào ban đêm với các xe ô tô tải nhằm ngăn ngừa tai nạn xảy ra do xe đang lưu thông va chạm với xe tải đang đỗ vào ban đêm; nâng cao điều kiện an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường đèo dốc nguy hiểm; xử lý hiệu quả các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và hệ thống thiết bị thu phí không dừng tại các trạm thu phí, ưu tiên các trạm trên quốc lộ 1 và địa bàn lân cận Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải; xây dựng phần mềm quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải, ứng dụng trên internet và điện thoại thông minh để đảm bảo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời giám sát được toàn bộ hành trình, thời gian, vận tốc, hoạt động của lái xe để đảm bảo an toàn giao thông...

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trao tặng 1.500 mũ bảo hiểm cho học sinh
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trao tặng 1.500 mũ bảo hiểm cho học sinh

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Honda Việt Nam ngày 22/5 trao tặng 1.500 mũ bảo hiểm (MBH) cho học sinh Trường tiểu học Thanh Bình(Ninh Bình).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN