Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Hội nghị trực tuyến ứng phó với cơn bão số 10, tại Hà Nội sáng 14/9. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thiệt hại sẽ rất lớn.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tại cảng Gianh, Phó Thủ tướng đã động viên, nhắc nhở các ngư dân không chủ quan, phải luôn chủ động trong ứng phó với bão. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã đến chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 10 tại cảng Hòn La - nơi có hàng chục tàu thuyền bị đánh chìm trong cơn bão số 2 vào tháng 7/2017.
Tại đây, Phó Thủ tướng yêu cầu các chủ tàu thuyền cũng như các lực lượng chức năng tổ chức chằng, néo tàu thuyền vào đậu tại cảng, tránh xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về tài sản cho người dân.
Ngư dân Quảng Bình đang neo đậu, gia cố tàu thuyền an toàn... trước khi bão đổ bộ vào bờ. Ảnh: Võ Dung/TTXVN |
Để phòng chống bão số 10, UBND tỉnh Quảng Bình đã tăng cường tuyên truyền, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ, thông tin kịp thời đến từng người dân để chủ động các phương án phòng tránh; kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi và khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, bố trí vị trí neo đậu an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và phương tiện khi neo đậu; chỉ đạo nhân dân thu hoạch các diện tích lúa và hoa màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Các doanh nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ động thu hoạch trước mưa bão, đồng thời có biện pháp bảo vệ các lồng, bè và diện tích thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch; tổ chức rà soát và sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và người dân trên phương tiện lồng bè, vùng nuôi trồng thủy sản...
Trong ngày 14/9, các địa phương ven biển tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào trú tránh bão, tuyên truyền để người dân chằng chống nhà cửa.
Tại khu neo đậu cảng Gianh (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) hơn 400 tàu đã vào tránh trú an toàn; tại khu neo đậu Ròon (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã có hơn 300 tàu vào tránh trú. Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", các địa phương đã điều động toàn bộ lực lượng để phòng chống bão số 10...
*Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra thực tế tình hình ứng phó với bão số 10 tại tỉnh Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tại âu trú bão Cửa Sót, tại xã Thạch Kim và công tác di dời dân tại các xã biển ngang như Thạch Kim, Thịnh Lộc của huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình ứng phó với cơn bão số 10 tại âu trú bão Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: TTXVN phát |
Báo cáo với Phó Thủ tướng, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến chiều 14/9, địa phương đã kêu gọi hơn 6.000 tàu thuyền vào bờ tránh trú bão an toàn, tuy nhiên toàn tỉnh hiện còn còn 22 phương tiện, với 115 lao động trong và ngoài tỉnh hoạt động trên vùng biển Hà Tĩnh đang trên đường vào trú bão. Các địa phương, đơn vị đang thường xuyên giữ thông tin, liên lạc, hướng dẫn các tàu, thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Cùng với đó, các lực lượng chức năng đã chỉ đạo sắp xếp tàu thuyền vào khu neo đậu trên các âu tàu, bến bãi trên địa bàn tỉnh an toàn tránh để thiệt hại do va đập, nhất là khi thủy triều rút.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với cơn bão số 10 của cấp ủy, chính quyền và người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng lưu ý các đơn vị, địa phương: Bão số 10 theo dự báo có tính chất phức tạp, khi đổ bộ vào sẽ khiến mực nước biển dâng cao, bão đi rất nhanh sức tàn phá cực lớn. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay của địa phương là tập trung mọi giải pháp sơ tán dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho nhân dân; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong ứng phó với bão. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị cần tập trung giằng chống, bão vệ nhà cửa, trường học, bệnh viện… hạn chế thấp nhất việc mất điện, đảm bảo trật tự an ninh trật tự, an toàn giao thông trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền; đồng thời, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.
Trước đó, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tiến độ thi công tuyến đê Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tình Hà Tĩnh. Đây là tuyến đê có vị trí xung yếu, phía trong đê có nhiều hộ dân sinh sống và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con. Hiện dự án đang trong quá trình thi công, có 2 điểm cống xung yếu nhưng chưa hoàn thiện. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu địa phương tập trung chỉ đạo đơn vị thi công triển khai các biện pháp xử lý 2 điểm cống xung yếu nói trên trước khi bão đổ bộ, ngăn nước tràn vào trong, đảm bảo an toàn cho người dân và diện tích nuôi trồng thủy sản.
Được biết, ngay trong sáng 14/9, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã ký lệnh sơ tán gần 11.000 hộ dân với trên 47.400 người tại các huyện ven biển của tỉnh. Theo đó, các huyện ven biển như Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh và Khu Kinh tế Vũng Áng huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân cư các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn.
*Cũng trong chiều 14/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Trung ương đã đến kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 10 tại tỉnh Nghệ An.
Chiều 14/9/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT và một số bộ, ngành Trung ương đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại Cảng Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương tỉnh Nghệ An đã thực hiện nghiêm công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và công điện số 62/CĐ-TW ngày 12/9/2017 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chỉ đạo các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.
Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết: Công tác phòng chống bão số 10 đang được tỉnh gấp rút thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Tỉnh Nghệ An có 4.016 phương tiện với 18.541 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản, tính đến 18 giờ ngày 14/9/2017 tất cả các phương tiện trên đã vào trú tránh bão. Nông dân trong tỉnh cũng đã thu hoạch được 9.474/36.228 ha lúa mùa, đạt 26,15%.
Tỉnh Nghệ An có trên 625 hồ đập lớn, nhỏ; hiện nay có 268 hồ đầy nước, 357 hồ còn lại mực nước khoảng 70%-80%, các hồ chứa đến thời điểm hiện tại đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nếu bão đổ bộ vào, mưa lớn, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn khá cao. Hiện tỉnh Nghệ An đã chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của từng địa phương, sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có ngập lụt, có phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, giữ nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông, UBND các huyện kiểm tra các ngầm tràn, sẵn sàng đóng đường để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, chuẩn bị phương tiện, thiết bị để xử lý khi có sạt lở, ách tắc; dừng tất cả các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão.
Sau khi đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão tại cảng Cửa Lò, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ và của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Tỉnh Nghệ An cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu và đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian có bão và mưa lũ; kiểm tra các phương án di dời dân, đặc biệt là ở vùng ven biển, cửa sông, nhà tập thể, nhà cao tầng xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở đất.