Việc phân bổ vốn phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và các văn bản pháp luật khác có liên quan; bám sát các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 2021-2025; bảo đảm không vượt quá tổng mức vốn đầu tư, vốn sự nghiệp và không thay đổi cơ cấu nguồn vốn của Chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn trước nhưng chưa đủ nguồn lực thực hiện đã được tích hợp tại nội dung Chương trình; tập trung đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn, bản khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù; phân bổ vốn của Chương trình bảo đảm công khai, minh bạch…
Quyết định cũng nêu rõ nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương trung hạn và hằng năm. Theo đó, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương trung hạn và hằng năm để thực hiện Chương trình phân bổ cho các cơ quan trung ương và địa phương theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, các văn bản hướng dẫn về nội dung này.
Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tham gia thực hiện Chương trình căn cứ kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách Trung ương gửi Ủy ban Dân tộc để tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định.
Nguồn vốn phân bổ hằng năm của Chương trình phải phù hợp với kế hoạch trung hạn được cấp có thẩm quyền thông qua và khả năng cân đối ngân sách hằng năm; ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các chương trình, dự án chuyển tiếp từ kế hoạch năm trước sang năm sau; ưu tiên các địa phương giải ngân nhanh để tạo điều kiện sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Quyết định quy định đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách (trừ 3 địa phương có huyện nghèo và nhiều xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa): 100% vốn thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, đảm bảo Kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 5 năm và hằng năm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó định mức đầu tư, hỗ trợ đối với từng dự án, tiểu dự án không thấp hơn định mức bình quân của Chương trình.
Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương từ 70% trở lên: Hằng năm, ngân sách địa phương bố trí đối ứng tối thiểu bằng 5% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình cho địa phương.
Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương từ 50% đến dưới 70%: Hằng năm, ngân sách địa phương bố trí đối ứng tối thiểu bằng 10% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình cho địa phương.
Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương dưới 50% và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa: Hằng năm, ngân sách địa phương bố trí đối ứng tối thiểu bằng 15% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình cho địa phương.