Theo đó, Bộ Tài chính sẽ triển khai mua gạo đưa vào dự trữ quốc gia trong thời gian tới với 3 gói thầu, gồm 2 gói 25.000 tấn và 1 gói 25.413 tấn.
Cục Quản lý giá đề nghị các công ty sản xuất, kinh doanh lương thực chào giá bán gạo đối với loại gạo sản xuất năm 2021 tiêu chuẩn 15% tấm, chất lượng gạo xuất kho dự trữ quốc gia quy định tại quy chuẩn QCVN06: 2019/BTC Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo dự trữ quốc gia ban hành theo thông tư số 78/2014/TT BTC ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Giá bao gồm chi phí bao bì, bốc vác lên phương tiện bên mua, giám định, có thuế giá trị gia tăng.
Điều kiện gạo tồn kho để các công ty tham gia các gói thầu trên là phải có số lượng tồn kho tối thiểu 30.000 tấn/gói thầu đang nằm trong kho của công ty ký hợp đồng bán gạo.
Thời gian giao hàng theo yêu cầu của Bộ Tài chính đến trung tâm các huyện thị của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Cà Mau tối đa 15 ngày kể từ khi ký hợp đồng. Và sẽ thanh toán theo tiến độ giao hàng.
Về chi phí vận chuyển và các khoản chi phí xuất cấp cứu trợ, đơn vị bán gạo cho Bộ Tài chính được thanh toán chi phí vận chuyển và các khoản chi phí xuất cấp cứu trợ thực thanh toán, thực chi do Bộ Tài chính chi trả và thực hiện theo quy định tại Thông tư số 51/2020/TT-BTC ngày 02/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho việc xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và Điều 14 Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia.
Công văn cũng nêu rõ, công ty chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa được trúng thầu đến trung tâm các huyện, thị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân bổ gạo theo yêu cầu của Bộ Tài chính.