Hiện nay, cải cách hành chính nhà nước đặt ra như một tất yếu khách quan và ngày càng trở nên cấp thiết, đặt trong tổng thể cải cách bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Cải cách hành chính nhằm mục đích phục vụ, thúc đẩy sự phát triển ổn định và năng động của toàn xã hội, chủ yếu là triển khai thực hiện mục tiêu cơ bản là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cải cách hành chính trước hết là cải cách thể chế của nền hành chính, có mối liên hệ mật thiết phụ thuộc lẫn nhau với cải cách lập pháp và tư pháp.
Cải cách hành chính cũng chính là cải cách thể chế hoạt động của Nhà nước nói chung và trực tiếp là Chính phủ, một bộ phận cấu thành quan trọng của thể chế chính trị. Cải cách hành chính là một trong những bước đi góp phần làm đổi mới hệ thống chính trị nhưng vẫn phục tùng, phục vụ hệ thống chính trị và giữ vững ổn định chính trị.
Cải cách kinh tế là cải cách thể chế quản lý kinh tế của Chính phủ. Đây cũng là một trong những nội dung của cải cách hành chính. Cải cách hành chính là khâu mấu chốt, bảo đảm sự thành công của cải cách kinh tế, luôn gắn liền với những thành tựu trong cải cách kinh tế, đổi mới hệ thống chính trị, cải cách pháp luật và tư pháp.
6 lĩnh vực cải cách
Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ Việt Nam đã được thực hiện qua các thời kỳ, từ 2001 đến nay, với 06 lĩnh vực cải cách (cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính). Các yếu tố cấu thành cơ bản của nền hành chính quốc gia đều đòi hỏi phải cải cách, thay đổi, đồng thời cải cách hành chính được triển khai trên diện rộng, ở tất cả các lĩnh vực, các cấp hành chính.
Mỗi lĩnh vực lại bao gồm một loạt các lĩnh vực thành phần cho thấy tính phức tạp, độ rộng của cải cách hành chính ở Việt Nam. Tuy đi theo xu hướng cải cách toàn bộ nền hành chính, nhưng cải cách hành chính ở Việt Nam đã chia ra từng giai đoạn, gắn cải cách hành chính với cải cách kinh tế, cải cách đồng bộ nhưng có trọng tâm, có khâu đột phá. Khi bắt đầu thực hiện cải cách hành chính, Chính phủ đã chọn đúng khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất trong quan hệ giữa Nhà nước với công dân và từ tổng kết thực tiễn của cải cách thủ tục hành chính để đề xuất những nội dung cụ thể về rà soát chức năng, nhiệm vụ, chấn chỉnh bộ máy tổ chức hành chính từ Chính phủ đến chính quyền địa phương, tiếp đó ở giai đoạn sau này (từ năm 2011), Chính phủ đã xác định trọng tâm quan trọng của cải cách hành chính là cải cách thể chế; xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Bảo đảm rõ định hướng, mục tiêu cải cách hành chính
Từ thực tiễn cho thấy, sự chỉ đạo nhất quán của Chính phủ là một yếu tố bảo đảm cải cách hành chính đạt kết quả. Với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong chỉ đạo triển khai cải cách hành chính của đất nước. Từ chủ trương của Đảng, Chính phủ có trách nhiệm cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, trên cơ sở đó các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của mình nhằm bảo đảm mục tiêu chung của cải cách là xây dựng được một nền hành chính mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì dân phục vụ.
Công tác chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với công cuộc cải cách hành chính có ý nghĩa trên các phương diện: bảo đảm rõ định hướng, mục tiêu cải cách hành chính; xác định rõ các nhiệm vụ cải cách; xác định các trọng tâm, ưu tiên cải cách theo từng thời kỳ; xác định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính, trước hết là Bộ trưởng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong triển khai cải cách hành chính; tổng kết từ thực tiễn cải cách để hoạch định thể chế, cơ chế mới, có tính chất áp dụng chung trong cả nước.
Tác dụng to lớn của công tác cải cách hành chính
Việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính theo lộ trình đề ra sẽ góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo đột phá về phân bổ và hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cải cách hành chính giúp hệ thống các cơ quan hành chính từ Trung ương đến cơ sở được vận hành theo phương thức quản trị hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp sẽ giúp nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, nhất là trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Ngoài ra, cải cách hành chính tạo điều kiện cho nước ta có thêm cơ hội hợp tác quốc tế, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.