Cải cách hành chính ở Việt Nam ở mức độ nào?
Cải cách hành chính là nhằm giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn.
Cải cách hành chính gồm các nội dung: cải cách thể chế hành chính nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính được xác định là khâu trọng tâm và đang được triển khai mạnh mẽ theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của người dân.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết: Trong quý II/2023, Thủ tướng đã ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an tại 10 văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 1.129 quyết định công bố 14.716 thủ tục hành chính, danh mục thủ tục hành chính để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đã công khai 11.581 thủ tục hành chính trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật; đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 470 quy định kinh doanh tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 41%.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến nay đã có 31,16% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa.
Có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng số hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính được chú trọng và đem lại những quả ngọt ban đầu. Đến nay, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 56 địa phương thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, kho bạc, xuất nhập khẩu… đã loại bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp, tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động phục vụ của các cơ quan nhà nước.
Hầu hết thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận, công khai trên Cổng Thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và Cơ sở Dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định.
Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện và đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55.000 doanh nghiệp tham gia.
Kết quả ban đầu của quá trình chuyển đổi số được người dân, doanh nghiệp ghi nhận thông qua chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) trong năm 2022 đạt trên 80%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 202 2- 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được triển khai mạnh mẽ và đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được đẩy mạnh với toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân (trong tổng số 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ). Bộ Công an đã mở rộng cung cấp tất cả 227 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến với trên 7,77 triệu tài khoản, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022, với hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện Bộ Công an đã cấp 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân; hoàn thành cấp thẻ căn cước cho 100% công dân đủ điều kiện, đồng thời duy trì dữ liệu dân cư bảo đảm đúng, đủ, sạch, sống. Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố để tiếp nhận hơn 1 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tiến sỹ Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), khẳng định: Chuyển đổi số muốn làm được thì phải cải cách thủ tục hành chính, đây là hai yếu tố song hành, tương hỗ cùng phát triển.
Chuyển đổi số thực chất là chuyển từ phương thức hoạt động dựa trên tài liệu sang hoạt động dựa trên dữ liệu. Thủ tục hành chính thực chất là ra quyết định dựa trên tài liệu.
Trong giai đoạn tin học hóa, xây dựng chính quyền điện tử, chúng ta tập trung vào việc số hóa tài liệu và lưu chuyển các tài liệu điện tử.
Trong chuyển đổi số, chúng ta chuyển việc ra quyết định dựa trên tài liệu sang quyết định dựa trên dữ liệu. Khi có một hệ thống dữ liệu đáp ứng được yêu cầu "đúng-đủ-sạch-sống" thì thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa một cách triệt để. Ví dụ, khi có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng ta có thể bỏ sổ hộ khẩu, giúp đơn giản hóa khâu xác nhận cư trú trong 167 thủ tục hành chính có liên quan.
Cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số là hai mặt của cùng một vấn đề. Các cải cách đột phá về thủ tục hành chính không thể thiếu chuyển đổi số, mặt khác chuyển đổi số hoạt động của chính quyền trong cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân sẽ kém hiệu quả nếu không có các cải cách thủ tục liên quan.
Chúng ta cần tiến hành đồng bộ các biện pháp về con người (nhận thức của nhân dân, năng lực của bộ máy công chức), về thể chế (sửa đổi các luật, nghị định, thông tư liên quan) và công nghệ (đầu tư thiết bị đầu cuối và kết nối an toàn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phần mềm quản lý dữ liệu).
Trong lĩnh vực chuyển đổi số song hành cùng cải cách thủ tục hành chính, chúng ta cần nhấn mạnh tới vai trò của của công nghệ, trong đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp IT.
Ủng hộ kế hoạch hành động của Chính phủ về chiến lược chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) duy trì hoạt động theo định hướng phát triển nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Về nâng cao tỉ lệ thủ tục xử lý trực tuyến, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Viettel đồng hành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, triển khai đồng bộ Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến cho hàng chục bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực tài chính, tư pháp, nội vụ, ngoại giao, giao thông vận tải, kết nối với hơn 45.000 doanh nghiệp, 3,65 triệu hồ sơ.
Doanh nghiệp 1C Company hoạt động chính trong lĩnh vực phát triển, phân phối và phát hành phần mềm. 1C Việt Nam ra đời và nhanh chóng trở thành một trong những công ty hàng đầu về cung cấp phần mềm quản lý cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam, như phần mềm "Made for Vietnam" với công nghệ low-code, giúp tiết kiệm tối đa chi phí.
Công ty Cổ phần FPT, một trong những công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn tại Việt Nam, cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương thực hiện các đề án chuyển đổi số, từng bước xây dựng các nền tảng và công nghệ quan trọng cho mô hình chính phủ số trong tương lai. FPT đã và đang tích cực hỗ trợ tư vấn về chuyển đổi số, xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, phát triển nền tảng tích hợp, liên thông dữ liệu, giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu.