Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đồng chủ trì phiên họp.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, ngay sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 (ngày 21/12/2023) đến nay, các bộ, ngành thành viên Tổ công tác đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg, ngày 11/1/2024 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đã ban hành Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT, ngày 29/12/2023 ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các địa phương triển khai chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt. Theo đó, đã chi trả qua tài khoản cho 585.975 người đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản (tăng 72.944 người bằng 14,02% so với ngày 5/1/2024); tổng số tiền chi trả trên 1,7 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 147 tỷ đồng so với ngày 5/1/2024 thời điểm Bộ Công an bắt đầu phối hợp triển khai trên nền dân cư).
Cùng với đó, Bộ Công an đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức 5.412 điểm bưu điện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn 23.042 lượt người dân thực hiện với 16.486 hồ sơ trực tuyến; đồng thời, hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, triển khai sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay với 5 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Pvcombank, VIB, BIDV) và 1 tổ chức tín dụng (Mcredit)…
Tại đây, các đại biểu tập trung thảo luận vào 3 nội dung chính là: kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai Đề án 06; tiến độ triển khai những nhiệm vụ; những khó khăn, vướng mắc, các bộ, ngành phải tháo gỡ. Tại phiên họp này, các thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ thống nhất lộ trình thực hiện những nhiệm vụ thuộc Đề án trong tháng 2 cũng như Nghị quyết của Chính phủ về phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia.
Đại diện các bộ, ngành cũng khẳng định vai trò, quyết tâm chính trị của người đứng đầu là vấn đề cốt lõi, quan trọng để đưa đến thành công trong triển khai Đề án 06; đồng thời thống nhất cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn, ràng buộc trách nhiệm lớn hơn, cao hơn đối với từng vị trí, bộ phận, với tinh thần rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ tiến độ, lộ trình hoàn thành.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương những kết quả của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong triển khai đề án 06; đồng thời nhấn mạnh, triển khai Đề án 06 đặt ra yêu cầu phải thay đổi cách làm, thay đổi tư duy. Từ đó, các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt trong triển khai, tiến tới sự đồng bộ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh các mặt công tác nhằm thực hiện Đề án 06 có hiệu quả hơn nữa. Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn về pháp lý trong thực hiện Đề án 06, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân trong giao dịch hành chính. Tổ công tác rà soát lại các công việc, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính hoàn tất những nội dung liên quan đến hướng dẫn về tài chính. Bộ Tư pháp thúc đẩy hành lang pháp lý thông thoáng; thẩm tra, rút gọn những trình tự thủ tục để sớm ban hành những quy định phục vụ cho Đề án 06.
Về các quy định, chính sách có liên quan hiện đang là rào cản trong triển khai Đề án 06, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp nhanh chóng giải quyết; lưu ý các bộ, ngành, thành viên của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cần nhanh chóng rà soát lại công việc, nhiệm vụ của các bộ, ngành để thống nhất, tổng hợp những nội dung cần tháo gỡ.
Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong năm 2024 được coi là năm tiền đề quan trọng, tạo đà hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đề ra trong năm 2025 và cả giai đoạn 2022-2025, các bộ, ngành, thành viên Tổ Công tác và UBND các địa phương cần khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai trong năm 2024. Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Văn phòng Chính phủ sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử, tích hợp, cung cấp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia năm 2024; hoàn thành trong tháng 2/2024 để các bộ, ngành xây dựng quy trình điện tử, đảm bảo tính pháp lý để thực hiện. Văn phòng Chính phủ bám sát vào lộ trình đã đề ra để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành Nghị định về 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương xây dựng Kế hoạch kiểm tra, đánh giá đảm bảo an ninh an toàn hệ thống của các bộ, ngành. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tổ chức đào tạo tập huấn về an ninh an toàn cho cán bộ, công chức trên phần mềm đào tạo trực tuyến (MOOC). Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh số hóa dữ liệu, tận dụng dữ liệu đã có để cắt, giảm các thủ tục hành chính… Các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, số hóa, đẩy mạnh dịch vụ công trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, xã hội.