Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino đã không quá lời khi đánh giá giải đấu tổ chức tại Qatar là "kỳ World Cup hay nhất từ trước đến nay và thành công trên mọi phương diện". Nước chủ nhà đã hoàn thành những cam kết mà họ đưa ra khi giành quyền đăng cai giải đấu. Với quá trình 12 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng khoản kinh phí cao nhất trong lịch sử - hơn 200 tỷ USD, Qatar đã hiện thực hóa "dự án không tưởng" về kỳ World Cup đầu tiên tại được tổ chức ở một quốc gia sa mạc Trung Đông đầy nắng và gió.
Quả thực, không khí của ngày hội bóng đá tại Qatar rất khác biệt so với các kỳ World Cup trước đây. Số liệu thống kê cho thấy đã có khoảng 1,2 triệu du khách đến Qatar trong dịp này; tổng cộng 3.404.252 cổ động viên vào sân để trực tiếp cổ vũ cho các đội tuyển mà họ yêu mến (trung bình 53.191 người/trận). Không cần chất xúc tác là rượu bia, các cổ động viên vẫn cổ vũ tưng bừng từ trong sân cho tới ngoài đường phố. Cả giải đấu diễn ra mà không ghi nhận bất cứ một sự cố nghiêm trọng nào liên quan các cổ động viên.
Đây cũng là lần đầu tiên một kỳ World Cup diễn ra ở các địa điểm (8 thành phố) chỉ cách nhau khoảng 60 - 100 km. Điều này cho phép du khách từ các nền văn hóa khác nhau được thỏa sức trải nghiệm, "mắt thấy, tai nghe" về cuộc sống của thế giới Hồi giáo Arab, trong khi các đội tuyển, người hâm mộ, các quan chức và giới truyền thông cũng cảm thấy thuận lợi hơn trong việc di chuyển.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino chia sẻ: “Tôi phải thừa nhận rằng… chúng tôi đã rất lo về việc có quá nhiều người hâm mộ từ rất nhiều quốc gia tới đây cùng một lúc, tập trung ở cùng một địa điểm. Trong một kỳ World Cup bình thường, bạn thường sẽ chỉ thấy sự hiện diện của người hâm mộ từ tối đa 2 quốc gia tại một thành phố. Nhưng ở đây, chúng ta có người hâm mộ từ 32 quốc gia, cộng với tất cả những người hâm mộ trung lập khác trên thế giới, đến để thưởng thức World Cup cùng nhau, ở cùng một nơi".
Thể thao luôn có sức mạnh mang lại tình đoàn kết và khỏa lấp mọi sự khác biệt. World Cup 2022 chứng kiến các nước Trung Đông xích lại gần nhau vì một diện mạo chung tích cực, lan tỏa niềm vui và vinh dự ở nhiều quốc gia không chỉ riêng Qatar. Đây là ngày hội bóng đá hiếm hoi mà đại bộ phận cổ động viên tham dự có thể xem bóng đá tại một quốc gia, nhưng ăn ngủ nghỉ lại tại một quốc gia hoàn toàn khác.
Bà Najida Aboulla - Giám đốc Công ty Lữ hành ITL World Travel (Kuwait) - cho biết: "Do giới hạn về năng lực tiếp đón, nước chủ nhà Qatar đã quyết định thực hiện ý tưởng độc đáo, đó là thiết lập những thành phố vệ tinh cho World Cup, đặt tại những thành phố/quốc gia khác như Dubai hay tại Saudi Arabia, Kuwait, Oman... Cổ động viên ở tại những quốc gia này, đến ngày diễn ra trận đấu thì có những chuyến bay riêng đưa đến Qatar. Sau đó lại trở về các thành phố vệ tinh. Điều đó khiến World Cup năm nay giống như một World Cup hợp tác của cả Vùng Vịnh".
Ông Infantino nhận định sự kiện kéo dài một tháng qua đã để lại một di sản vượt khỏi đấu trường thể thao. Ông nêu rõ: “Bóng đá đã cho thấy sức mạnh gắn kết độc đáo của nó thông qua việc đoàn kết thế giới trong tinh thần hòa bình và hữu nghị. Đối với tôi, kỳ World Cup này thực sự là một thành công đáng kinh ngạc trên tất cả các phương diện. Điều quan trọng nhất là sự kiện này mang mọi người xích lại gần nhau, gặp gỡ thế giới Arab, đó là điều rất quan trọng đối với tương lai của tất cả chúng ta".
Những nghi ngại trước đó cho rằng việc tổ chức World Cup vào mùa đông có thể khiến các cầu thủ kiệt sức đã không còn tồn tại sau khi người hâm mộ chứng kiến những trận cầu mãn nhãn, với số bàn thắng ở mức cao kỷ lục trong lịch sử của đấu trường này (172 bàn - trung bình 2,69 bàn/trận).
World Cup năm nay còn là một giải đấu của những điều bất ngờ, trong đó những đội bóng hùng mạnh như Brazil, Đức hay Tây Ban Nha... gục ngã, còn những đội bóng yếu thế hơn đã chứng minh rằng: với kỹ năng, sự quyết tâm và trái tim đầy nhiệt huyết, họ có thể biến giấc mơ trở thành hiện thực. Đây cũng là lần đầu tiên vòng knock-out của giải đấu có sự góp mặt của đủ đại diện từ mọi châu lục. "Hiện tượng" Maroc đã khiến tất cả phải kinh ngạc khi trở thành đội bóng đầu tiên của châu Phi lọt vào Bán kết và là quốc gia Arab đầu tiên vượt qua vòng 16 đội.
Phát biểu khi chia tay giải đấu ở vị trí thứ tư chung cuộc, HLV Walid Regragui của tuyển Maroc cho biết: “Chúng tôi chứng minh rằng bóng đá châu Phi đã chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu với những đội bóng hàng đầu thế giới, với sự hiệu quả và lối chơi ở đẳng cấp cao nhất. Thông qua kinh nghiệm, bạn sẽ mạnh mẽ hơn và tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi, trưởng thành hơn và xây dựng cho trẻ em ở châu Phi một hệ thống bóng đá lâu dài. Giờ đây, các em có thể ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá và tham dự World Cup. Đó là điều vô giá".
Thành công của giải đấu đã giúp mang lại doanh thu kỷ lục 7,5 tỷ USD từ các giao dịch thương mại trong chu kỳ 4 năm của một kỳ World Cup, nhiều hơn 1 tỷ USD so với mức dự tính. Điều này cũng đã tạo cơ sở để Hội đồng FIFA phê duyệt phân bổ 200 triệu USD trong 4 năm tới cho Chương trình Phát triển tài năng (TDS) - một sáng kiến nhằm hỗ trợ các liên đoàn thành viên đào tạo bóng đá trẻ lâu dài và bền vững hơn.
Không chỉ vậy, World Cup 2022 cũng sẽ được nhắc tới nhiều sau này với dấu mốc lần đầu tiên có 3 nữ trọng tài chính điều khiển các trận đấu tại vòng chung kết. Đó là trọng tài Stephanie Frappart (Pháp), Salima Mukansanga (Rwanda) và Yoshimi Yamashita (Nhật Bản). Việc lần đầu tiên trọng tài nữ được nhận vinh dự này tại giải đấu lớn nhất hành tinh hướng tới việc xóa bỏ những định kiến cho rằng các nữ trọng tài không thể điều hành những trận đấu của nam giới, đặc biệt là khi các trận đấu này diễn ra ở một quốc gia Hồi giáo.
Ngoài ra, giải đấu tại Qatar còn là một kỳ World Cup thân thiện bậc nhất với môi trường, với những chỉ số trung hòa carbon đáng kể, hệ thống làm mát thân thiện, 100% rác thải nhựa tại các sân vận động và ở các địa điểm công cộng được tái chế... Đây cũng là một kỳ World Cup mang dấu ấn nhân văn rõ rệt khi người khuyết tật được mời xuất hiện trong lễ khai mạc, 1.000 y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch trên toàn cầu được mời sang Qatar xem bóng đá và người khiếm thị được hỗ trợ về công nghệ để có thể theo dõi các trận đấu. Tổ chức phi chính phủ Qatar Foundation cũng thiết lập các địa điểm xem trực tiếp bóng đá cho người tị nạn ở nhiều nước Trung Đông và châu Phi...
Sau khi World Cup 2022 kết thúc, nhiều sân vận động ở Qatar sẽ được chuyển biến đổi thành tổ hợp đa chức năng từ phục vụ giáo dục, bệnh viện, siêu thị, khách sạn, công viên cây xanh... hữu ích lâu dài cho cộng đồng. Khoảng 170.000 chỗ ngồi từ các sân vận động World Cup ở Qatar sẽ được tháo rời và tặng cho các dự án thể thao khác cũng như cho các quốc gia nghèo phát triển cơ sở hạ tầng thể thao của họ.
Những màn pháo hoa rực rỡ tại sân vận động Lusail đã khép lại 64 trận cầu hấp dẫn. Những chiếc đèn lồng với sự giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối trong lễ bế mạc như phản chiếu hai nửa buồn vui của một đội tuyển Argentina lên ngôi sau 36 năm chờ đợi, còn đội tuyển Pháp bị mất ngôi vương khi không thể phá bỏ lời nguyền tồn tại suốt 60 năm qua về việc nhà đương kim vô địch không bảo vệ được vinh quang.
World Cup 2022 là thời điểm mà nhiều danh thủ như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Thomas Mueller, Eden Hazard, thậm chí cả Neymar... đã hoặc dự định nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế, nhưng cũng sẽ là bệ phóng thành công của những tên tuổi mới, trong đó có cá nhân đã mang dáng dấp của một huyền thoại như Kylian Mbappe.
Bốn năm nữa, tại World Cup 2026, họ hứa hẹn sẽ lại tỏa sáng, khi giải đấu lần đầu tiên được tổ chức tại 3 quốc gia Bắc - Trung Mỹ là Mỹ, Canada và Mexico. Và hơn tất cả, dù có cả nụ cười lẫn nước mắt, World Cup 2022 chinh là nơi mọi người có thể xích lại gần nhau, trên tinh thần "thể thao gắn kết con người".