WORLD CUP 2022: Mane trong bi kịch 'Nhà vua châu Phi'

Mỗi kỳ World Cup chứng kiến không hề ít các ngôi sao phải giã biệt giải đấu trong tức tưởi, mới nhất là Sadio Mane bên phía tuyển Senegal. Lời nguyền Bóng vàng châu Phi lại một lần nữa ứng vào tiền đạo này.

Chú thích ảnh
Tiền đạo người Senegal Sadio Mane. Ảnh: AFP/TTXVN

Bạn còn nhớ chấn thương xương bàn chân của David Beckham khiến anh lỡ hẹn World Cup 2002? 8 năm sau là Didier Drogba lỡ hẹn vì chấn thương vai. World Cup 2014 thiếu vắng Radamel Falcao vì chấn thương đầu gối.

World Cup 2022 thì sao? Quá nhiều gương mặt sáng giá phải xem các trận đấu tại Qatar qua màn hình TV. Nhưng tiếc nuối nhất cho đến lúc này chắc chắn phải là Mane, bởi tất cả mọi hy vọng của bóng đá Senegal đều đặt vào tiền đạo 30 tuổi này. Dù phía CLB Bayern Munich đã cảnh báo Mane khó có thể kịp hồi phục thể lực để đến Qatar sau chấn thương trong chiến thắng Werder Bremen 6-1, tuyển Senegal vẫn chờ anh trở về với một tia hy vọng mong manh thông tin này sai. Rốt cuộc, xác nhận từ bác sĩ tuyển Senegal Manuel Afonso sau khi chụp MRI xác nhận tiền đạo sinh năm 1992 này đã hết cơ hội dẫn dắt hàng công Sư tử Teranga (biệt danh của đội tuyển Senegal).

Đó là một tia sét ngang tai không chỉ cho cá nhân Mane, mà cả tuyển Senegal lẫn bóng đá châu Phi nói chung. Trong số các đại diện châu Phi tham dự World Cup 2022, đội bóng của HLV Aliou Cisse được kỳ vọng tiến xa nhất, không chỉ vì bảng đấu của họ được đánh giá dễ thở hơn cả. Đây là tập thể đã được cựu tiền vệ Senegal dày công xây dựng khi nắm quyền vào năm 2015. Senegal may mắn không chịu những rung lắc từ việc thay tướng hay biến động thượng tầng như Nigeria hay Côte d’Ivoire. Ngay khi nắm quyền, HLV Cisse đã biết đoàn kết đội ngũ, tạo ra cá tính và thứ bóng đá riêng biệt cho Senegal. Tất cả đều biết việc, biết vai trò của mình và sẵn sàng hy sinh vì tập thể. Điều này đảm bảo kể cả khi Senegal có chia tay những trụ cột vì lý do giã từ sự nghiệp quốc tế, những tân binh vẫn tìm thấy cơ hội hòa nhập với phần còn lại của đội tuyển quốc gia. Senegal cũng là tập thể châu Phi ít dính vào lùm xùm, cả chủ quan lẫn khách quan.

Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa Senegal là một tập thể yếu ở World Cup năm nay. Hàng thủ của HLV Cisse có độ vững chãi khá cao nhờ bộ đôi trụ cột "made in Chelsea": Edouard Mendy-Kalidou Koulibaly. Bộ đôi này cùng những nhân tố khác như Fode Ballo-Toure hay Youssouf Sabaly giúp Senegal chỉ lọt lưới 2 bàn trong hành trình vô địch Cúp bóng đá châu Phi (AFCON) đầu năm nay và đánh bại Ai Cập của Salah ở trận play-off giành vé đến Qatar.

Bất luận "nói cứng" theo cách nào, HLV Cisse vẫn phải thừa nhận không dễ để Senegal sống tốt không cần Mane. Cách đây một tháng, tiền đạo 30 tuổi này về nhì trong danh sách Quả bóng Vàng (điều kỳ lạ, người giành Quả bóng Vàng là Karim Benzema cũng tạm biệt World Cup vì chấn thương). Đây là thành tích tốt nhất của một cầu thủ châu Phi tại giải thưởng danh giá này kể từ 1995, sau khi cựu tiền đạo Liberia George Weah gây chấn động thế giới với danh hiệu Quả bóng Vàng.

Chưa có một cầu thủ châu Phi nào được kỳ vọng nhiều như Mane tại sân chơi danh giá nhất thế giới như World Cup. Ngoài vị thế Á quân Quả bóng Vàng, Mane còn là người giữ danh hiệu Bóng vàng châu Phi. Tất cả tạo bệ phóng lý tưởng để anh tỏa sáng rực rỡ trên đất Qatar, trong một giải đấu đã mất đi quá nhiều cầu thủ đáng xem vì chấn thương. Cần nói thêm, không phải nhà vô địch AFCON nào cũng đủ năng lực để giành tấm vé dự World Cup. Mới chỉ có hai đội tuyển trước đó hoàn thành nhiệm vụ của nhà vua châu Phi là Nigeria (1994, 2014) và Cameroon (2002). Thậm chí, chỉ Nigeria năm 1994 sở hữu cầu thủ vốn là đương kim Bóng vàng châu Phi trong đội hình dự World Cup, Rashidi Yekini. Ông là tác giả pha lập công đầu tiên của tuyển Nigeria tại các kỳ World Cup, bàn thắng trong trận thắng Bulgaria 3-0. Nhưng vị thế của Yekini và Nigeria cách đây gần ba thập kỷ khác xa Senegal và Mane hiện tại. Kể từ khi giải thưởng Bóng vàng châu Phi ra đời năm 1970, đã có 11 lần các cầu thủ nhận giải cùng đội tuyển quốc gia nước mình góp mặt tại các kỳ World Cup. Chỉ 3 trường hợp phải xem World Cup qua màn hình TV gồm George Weah (1990), Abedi Pele (1994) và Samuel Eto'o (2006), khi các đội tuyển quốc gia họ đại diện đều không vượt qua vòng loại. Bất luận thành tích của Senegal ở World Cup 2022 ra sao, Mane có lý do để nuối tiếc bởi chấn thương đã lấy đi cơ hội để anh thể hiện tiếng nói của cầu thủ châu Phi hay nhất thế giới.

Việc Sadio Mane chia tay World Cup 2022 không phải trận mở màn mà là cả giải đấu đặt ra thách thức không nhỏ cho HLV Aliou Cisse trong việc sắp xếp hàng công Senegal cho trận gặp Hà Lan sắp tới. Áp lực cho Boulaye Dia, người chơi ở vị trí trung phong trên hàng công Senegal, sẽ lớn hơn bao giờ hết. Phong độ của tiền đạo 26 tuổi này ở Đội tuyển quốc gia không quá ấn tượng, nhưng giờ HLV Cisse buộc phải đặt hết kỳ vọng vào anh, người đã ghi 5 bàn trong 12 lần ra sân cho Salernitana ở Serie A mùa này. Còn về lựa chọn thay thế trực tiếp cho Mane ở vị trí tiền đạo cánh, Nicolas Jackson và Iliman Ndiaye là các phương án để HLV Cisse cân nhắc.

Đức Hùng (TTXVN)
World Cup 2022: Lịch thi đấu & truyền hình trực tiếp ngày 22/11/2022
World Cup 2022: Lịch thi đấu & truyền hình trực tiếp ngày 22/11/2022

Lịch thi đấu và truyền hình trực tiếp các trận vòng bảng World Cup 2022 ngày 22/11 và rạng sáng 23/11/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN