Pha tranh bóng giữa cầu thủ hai đội trận đấu giữa đội U23 Việt Nam (áo trắng) với đội U23 Syria (áo đỏ). Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN |
Sau tấm vé dự Vòng chung kết (VCK) ASIAN Cup 2019, bây giờ là suất vào Tứ kết đầu tiên tại giải vô địch U23 châu Á.
U23 Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn khi đến sân chơi đẳng cấp châu lục. Đối với một nền bóng đá nằm ở "vùng trũng" của làng túc cầu thế giới, việc vào đến VCK của giải đấu này đã là một thành công. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám tin vào kỳ tích của U23 Việt Nam trước những nền bóng đá vốn là "khách quen" ở các kỳ World Cup.
U23 Việt Nam phải “liệu cơm gắp mắm”, thu mình phòng ngự và chờ đợi thời cơ phản đòn, đó là cách khả dĩ nhất nếu muốn vẽ nên những kỳ tích. Và HLV Park Hang-seo đã làm rất tốt điều này khi cho các học trò phát huy hết điểm mạnh vốn có của họ. 45 ngày làm chiến thuật với các cầu thủ, vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã giúp các học trò thay đổi rõ rệt tư duy chơi bóng đá.
U23 Việt Nam không còn ngờ nghệch chơi bóng kiểu hồn nhiên như phiên bản Hoàng Anh Gia Lai mở rộng trước đó, mà giờ đây, họ chơi có tính toán rõ ràng hơn và chính điều ấy đã tạo ra khác biệt.
Từ trận thua U23 Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo đã tạo ra sự thay đổi lớn ở các học trò, khi dạy họ sự tự tin có thể chiến thắng mọi đối thủ. U23 Việt Nam đã làm được điều tưởng chừng không tưởng trước U23 Australia khi tin vào chính mình để rồi hoàn thành luôn nhiệm vụ trước U23 Syria mạnh không kém.
Sau trận thua mở màn, các học trò của HLV Park Hang-seo tuân thủ chiến thuật triệt để và gần như sai số nơi hàng thủ giảm đáng kể. Điển hình là những pha giăng bẫy việt vị hoặc phạm lỗi không cần thiết ngoài vòng cấm, HLV Park Hang-seo đã giảm tối đa sức ép cho khu vực cầu môn của Tiến Dũng. U23 Việt Nam có thể bị chỉ trích vì lối chơi “dựng xe buýt 3 tầng trước khung thành”, nhưng họ không "chém đinh chặt sắt" gây phản cảm cho người xem.
U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở sân chơi châu lục, cần rất nhiều đến tài năng của HLV Park Hang-seo, đặc biệt là những cái tên bị loại như U23 Australia hay U23 Syria đều có "yếu tố con người" nhỉnh hơn hẳn U23 Việt Nam. Minh chứng là sau 2 trận đầu, Quang Hải đã "tắt điện" khi bị HLV Hussein bắt bài khi gặp U23 Syria, còn cầu thủ được kỳ vọng nhất của U23 Việt Nam là Công Phượng lại quá nhỏ bé trước những hậu vệ cao to, nhanh nhẹn của đối phương.
Tuy nhiên, HLV Park Hang-seo đã lấy tinh thần quả cảm của tập thể để bù lại cho những cá nhân. Cho đến thời điểm này, vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã giải quyết tốt bài toán nhân sự. Và quan trọng hơn, đội tuyển lúc này vẫn đang có thần may mắn song hành.
Các cổ động viên Việt Nam đang được sống trong cảm xúc ngất ngây tự hào với trang sử mới mà thầy trò Park Hang-seo vừa ghi lại trên đất Trung Quốc. Niềm vui còn nhân lên gấp bội trong bối cảnh không ít "gã khổng lồ" của khu vực lẫn châu lục, như Thái Lan, nước chủ nhà Trung Quốc, Australia, Saudi Arabia… đã phải rời cuộc chơi ngay từ vòng bảng.
Sau khi kết thúc vòng bảng, VCK U23 châu Á 2018 đã xác định được 8 đội bóng xuất sắc nhất góp mặt ở Tứ kết, với các cặp đấu: U23 Nhật Bản - U23 Uzbekistan, U23 Qatar - U23 Palestine, U23 Hàn Quốc - U23 Malaysia và U23 Iraq - U23 Việt Nam.
Những con số thống kê thú vị:
- Lần đầu tiên U23 Việt Nam lọt đến Tứ kết VCK U23 châu Á sau 2 lần tham dự sân chơi này.
- U23 Việt Nam lọt vào Tứ kết với 2 bàn thắng đều được ghi từ cái chân trái rất dị của tiền vệ Nguyễn Quang Hải.
- U23 Việt Nam vào Tứ kết với tư cách đội đứng thứ 2 bảng D (4 điểm).
- Thủ môn Tiến Dũng cũng chỉ 2 lần để lọt lưới sau vòng bảng, tất cả đều từ trận thua 1-2 trước U23 Hàn Quốc ngày ra quân.
- HLV Park Hang-seo đã dẫn dắt các ĐTQG Việt Nam qua 8 trận đấu, tính cả giao hữu. Dưới thời ông Park, các đội tuyển thắng 3 trận (trước các đối thủ: U23 Myanmar, U23 Thái Lan và U23 Australia), hòa 3 trận (trước ĐTQG Afghanistan, U23 Palestine và U23 Syria) và thua 3 trận (trước U23 Uzbekistan, CLB Ulsan Hyundai và U23 Hàn Quốc). |