Dễ thấy một điểm chung ở đa số các đội bóng đá nam hàng đầu Olympic năm nay: Quá trình chuẩn bị đều ít nhiều gặp trục trặc, chủ yếu đến từ khâu lựa chọn nhân sự không được như ý muốn khi nhiều câu lạc bộ lớn từ chối để các ngôi sao hay những cầu thủ trẻ sáng giá bậc nhất thế giới hội quân ở Tokyo.
Pháp, Tây Ban Nha chật vật ở vòng bảng
Luận cứ ấy có thuyết phục? Chỉ đúng một phần, cụ thể là trường hợp của Olympic Pháp. Việc phải thay đổi tới gần 50% đội hình so với danh sách dự kiến ban đầu khiến HLV Sylvain Ripoll không tránh được những bối rối lẫn bị động trong khâu chuẩn bị. Thử hình dung, nếu vị HLV này có trong tay siêu sao Kylian Mbappe cũng như những tài năng trẻ nổi bật như Eduardo Camavinga hay Houssem Aouar, Olympic Pháp liệu có chật vật như những gì đã diễn ra sau hai lượt trận đầu tiên?
Sau thất bại khó tin trước Mexico ở lượt đấu đầu tiên, Olympic Pháp suýt chút nữa đã trở thành đội bóng đầu tiên về nước ngay sau vòng bảng. Nếu không có cú hat-trick của Gignac cùng bàn thắng quý như vàng của Savanier, làm sao thầy trò Ripoll có thể giữ lại hy vọng giành vé đi tiếp ở lượt đấu cuối cùng? Khoan đã, thử thách cuối cùng ở vòng bảng không hề dễ chơi chút nào: Chủ nhà Nhật Bản đang hừng hực khí thế sau hai chiến thắng trước Olympic Nam Phi và Mexico. Nếu không đánh bại đội chủ nhà ở lượt cuối, Olympic Pháp nhiều khả năng sẽ tạm biệt giải đấu ngay sau vòng bảng.
Tình hình của Olympic Tây Ban Nha, ứng viên hàng đầu cho tấm huy chương môn bóng đá nam, cũng phức tạp chẳng kém gì. Sau trận hòa không bàn thắng trước Olympic Ai Cập, Olympic Tây Ban Nha phải chờ đến 81 phút mới có bàn thắng đầu tiên ở môn bóng đá nam trước sự kiên cường của Olympic Australia. Ít ra, đội bóng của HLV Luis de la Fuente đã tự nắm lấy quyền quyết định số phận ở lượt đấu cuối, dẫu cho trận đại chiến Olympic Argentina không hề dễ thở chút nào. Nhìn theo một khía cạnh tích cực hơn, Olympic Tây Ban Nha đang mang bóng dáng của chính đội tuyển quốc gia ở EURO 2020, một tập thể tôn vinh sự chắc chắn khi vẫn chưa lọt lưới bàn nào sau hai trận vòng bảng.
Nam Mỹ, châu Phi chiếm ưu thế như Olympic Bắc Kinh 2008?
Nếu tạm thời không nhắc quá sâu về lợi thế về phong độ và sân nhà của Olympic Nhật Bản, môn bóng đá nam lần này đang mang đến những liên tưởng về Olympic Bắc Kinh 2008. Cũng là một kỳ Olympic ở châu Á và môn bóng đá nam khi ấy chứng kiến sự thắng thế của các đại diện Nam Mỹ và châu Phi.
Ở Olympic Tokyo lần này, Argentina cùng Brazil là những đại diện của Nam Mỹ góp mặt ở môn bóng đá nam. Olympic Brazil sau hai lượt trận đã thi đấu tương đối ổn, dẫu cho tính thuyết phục trong màn trình diễn của thầy trò Andre Jardine chưa thật sự rõ ràng. Họ chỉ mất khoảng 30 phút để định đoạt sớm trận tái đấu với Olympic Đức, nhưng lại khổ sở đến mức không thể sút tung lưới Olympic Côte d'Ivoire một lần nào. Đúng là Olympic Brazil đã chịu bất lợi từ tấm thẻ đỏ quá sớm của Douglas Luiz, nhưng ai dám tin một đội bóng có những tên tuổi đáng chú ý như Richarlison lại không thể tìm ra lối vào khung thành thủ môn Ira.
Tất nhiên, trách cứ thầy trò Jardine xem chừng hơi quá lời, bởi họ vẫn đảm bảo ngôi đầu bảng cũng như quyền tự quyết ở lượt đấu cuối trước một Olympic Saudi Arabia đã không còn động lực chiến đấu. Ít ra, Olympic Brazil vẫn ở thế chủ động lớn hơn kình địch Olympic Argentina, đội bóng cần đến bàn duy nhất của Medina để có chiến thắng đầu tay ở Olympic Tokyo. Đó là lưng vốn để thầy trò Batista hướng đến trận đấu quyết định gặp Tây Ban Nha, trận đấu rõ ràng Olympic Argentina buộc phải thắng nếu muốn chắc chân ở vòng Tứ kết.
Còn các đại diện châu Phi thì sao? Olympic Ai Cập cùng Olympic Nam Phi vẫn còn hy vọng, dù rất ít để đi tiếp. Mọi sự lạc quan sẽ hướng về Olympic Côte d'Ivoire, đại diện đủ tiềm năng để tiến xa nhất. 4 điểm sau hai lượt trận trong bảng đấu có cả Olympic Brazil lẫn Đức là thành tích không thể tuyệt vời hơn cho thầy trò Haidara. Chỉ cần không thua Olympic Đức, Côte d'Ivoire sẽ có lần thứ hai vượt qua vòng bảng ở môn bóng đá nam tại một kỳ Olympic.