Người Việt tại Thuỵ Sĩ tập trung tại trung tâm Zurich.
|
Khoảng 50 người đã tham gia vào sự kiện, trong đó có nhiều người Việt Nam sinh sống và học tập tại Thụy Sĩ, thành viên Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam và cả rất đông bạn bè Thụy Sĩ, Pháp, Philippines… Dưới trời mưa to, đoàn biểu tình đã tập trung diễu hành trong khu vực trung tâm Zurich, mang theo nhiều cờ đỏ sao vàng, băng rôn, biểu ngữ bằng cả ba thứ tiếng: Việt, Anh và Đức – ngôn ngữ chính của người dân Zurich. “Chúng tôi yêu hòa bình”, “Chung sức bảo vệ biển đảo Việt Nam”, “Trung Quốc phải chấm dứt quân sự hóa tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”... là những thông điệp chính của đoàn biểu tình. Họ diễu hành trong lời ca của những bài hát quen thuộc: Tiến quân ca, Tự nguyện, Nối vòng tay lớn, Dậy mà đi, Nơi đảo xa, Tổ quốc gọi tên mình, Giai điệu tổ quốc…
Qua một đoạn phố, đoàn người biểu tình dừng lại và hô vang khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc rút khỏi các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà quốc gia này từng dùng vũ lực xâm chiếm, chấm dứt quân sự hóa Biển Đông và tôn trọng luật pháp quốc tế... Dưới trời mưa to, đoàn diễu hành đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân cũng như rất đông khách du lịch qua khu trung tâm thủ đô tài chính của Thụy Sĩ trong buổi chiều 23/4.
Cộng đồng người Việt mang theo nhiều cờ đỏ sao vàng và băng rôn, biểu ngữ phản đối Trung Quốc.
|
Các nhà tổ chức đã lường trước thời tiết không thuận lợi trong ngày biểu tình từ vài tuần nay, tuy vậy sự kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng từ hàng tháng này vẫn được diễn ra với sự quyết tâm của Hội hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam và Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, anh Lưu Vinh Toàn, Phó chủ tịch Hội thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ, một trí thức trẻ đang sống và làm việc tại Zurich, chia sẻ.
Kết thúc phần diễu hành, đoàn diễu hành dừng lại bên cây cầu Rathausbrucke, bắc qua sông Limmat, nơi có quầy thông tin về Biển Đông của Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam và Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ. Tại đây, các thành viên đoàn biểu tình cùng nhau hát quốc ca trước khi tuyên bố lí do buổi biểu tình. Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ đã nhắc lại các dấu mốc lịch sử của những năm 1970 khi Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Gần đây hơn, năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan dầu vào sâu trong thềm lục địa của Việt nam và buộc phải rút đi sau 3 tháng do sự phản đối dữ dội của người Việt Nam và dư luận quốc tế.
Từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc lại đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo, sân bay trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, chính phủ Trung Quốc tiếp tục triển khai mang máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa đến quần đảo Hoàng Sa chiếm đóng của Việt Nam và đưa giàn khoan thăm dò khai thác dầu trên các vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ bày tỏ phản đối hành động quân sự hóa tranh chấp, vi phạm luật pháp quốc tế của Chính phủ Trung Quốc tại Biển Đông đồng thời khẳng định niềm mong muốn hòa bình, và giải quyết tranh chấp bằng đối thoại của người Việt Nam. Diễn văn được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Nhắc đến những hy sinh của những thủy thủ Việt Nam chiến đấu chống lại sự xâm chiếm của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong quá khứ và đến nay, vẫn có những người lính phải hy sinh, và những người dân biển Việt nam phải đổ máu, nằm lại ngoài khơi vì quân đội Trung Quốc tấn công khi đánh cá trên hải phận Tổ quốc mình. Những người tham gia biểu tình đã dành một phút tưởng niệm các chiến sỹ, người dân biển đã dũng cảm hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Dù trời mưa to, đoàn người vẫn bền bỉ với kế hoạch.
|
Dưới trời mưa, lạnh, chị Vũ Thị Tín, 57 tuổi, một Việt kiều gốc Hải Phòng, không giấu niềm xúc động sau phút mặc niệm những người chiến sỹ và dân biển đã dũng cảm hy sinh trên Biển Đông vì chủ quyền biển đảo của đất nước. Chị tâm sự đã từng có 30 năm công tác tại Viện Y học Hải quân đóng tại thành phố cảng quê hương Hải Phòng. Nhiều năm qua đi chị vẫn luôn day dứt vì trong số đồng đội của mình, có những người đã vĩnh viễn nằm lại Biển Đông sau những trận chiến chống lại sự xâm chiếm của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Đây cũng chính là lí do khiến chị và người chồng Thụy Sĩ cùng nhiều người bạn tại quê hương thứ hai của chị đã vượt qua cả trăm cây số đến tham dự cuộc biểu tình tại Zurich.
Đại diện của Cộng đồng người Việt Nam tại Zurich và Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam cũng đọc kháng nghị thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon phản đối Trung Quốc cải tạo, thay đổi nguyên trạng và đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông. Đại diện Hội hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam, bà chủ tịch Anjuska Weil đã đọc bức thư của Hội hữu nghị Đức-Việt Nam gửi tới tất cả những người tham dự biểu tình, bày tỏ lo ngại trước những hành động vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình nhằm gìn giữ sự ổn định trong khu vực.
Sau khi lắng nghe bức thư gửi tới từ Hội hữu nghị Đức-Việt Nam, ông Conod A.Olivier, 68 tuổi, một người bạn Thụy Sĩ đã từng tới thăm Việt Nam cách đây không lâu đã chia sẻ niềm cảm mến với ước vọng hòa bình, độc lập của người Việt Nam, dân tộc từng chịu đựng nhiều cuộc chiến đau thương trong quá khứ. Chỉ tấm pa-nô “We love the peace” trên tay một người Việt Nam, ông Conod A. Olivier cho biết đây cũng chính là một trong những lí do khiến ông tham dự cuộc biểu tình cũng như thể hiện sự phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tại cuộc biểu tình, Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ và Hội hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam cũng nhắc lại việc tổ chức quầy thông tin tại Zurich trong suốt những ngày cuối tuần của tháng 3 và tháng 4 này để thông báo cho bạn bè thế giới biết những hành động sai trái của chính phủ Trung Quốc tại Biển Đông.
Kết thúc buổi biểu tình, tại quầy thông tin Biển Đông, đông đảo người tham gia đã ký kháng nghị thư phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.