Đẩy nhanh tiến độ dự án 'Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững'

Ngày 13/3, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” (CRSD) từ vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB).

Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững”. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Tham dự có lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban quản lý dự án CRSD của 9 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Cà Mau.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Hiến, Trưởng ban Ban quản lý các dự án nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, dự án này đã triển khai hơn 4 năm và đạt nhiều kết quả, giúp các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững.

Tuy vậy, nhiều tiểu hợp phần của dự án chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm, kết hợp với việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương chậm đã ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân và cho đến nay mới đạt hơn 53,7% kế hoạch vốn với gần 1.145 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Hiến đề nghị các địa phương thụ hưởng dự án cần tập trung vào các tiểu hợp phần quan trọng như: nâng cấp cơ sở dữ liệu nghề cá Việt Nam; thực hiện một số đề tài nghiên cứu chính sách; nâng cấp cơ sở hạ tầng các công trình phục vụ vùng an toàn sinh học; hướng dẫn, tập huấn trồng thủy sản bền vững...

Ông Phạm Ngọc Sao, Giám đốc Dự án CRSD kiến nghị Tổng cục Thủy sản sớm xem xét, nghiên cứu hỗ trợ dự án xây dựng cơ chế quản lý thống nhất để quản lý và khai thác các bến cá, cảng cá hiệu quả; Chính quyền các địa phương cần thí điểm “Quyền sử dụng, quản lý và khai thác” tại khu vực đồng quản lý cho Tổ Đồng quản lý hoạt động tốt; bố trí vốn đối ứng hàng năm đủ theo cam kết tiến độ thực hiện. Còn gần 990 tỷ đồng chưa giải ngân trong khi dự án còn một năm nữa sẽ kết thúc.

Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” được triển khai từ năm 2012 gồm 4 hợp phần gồm: Tăng cường năng lực thể chế cho quản lý nghề cá bền vững; Thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững; Quản lý bền vững khai thác thủy sản ven bờ và Quản lý dự án.

Đến nay, dự án đã hỗ trợ thành lập 50 vùng An toàn sinh học (GAP Zone) trên diện tích 11.000 ha với gần 8.700 hộ tham gia; hỗ trợ 32 vùng đa dạng hóa đối tượng nuôi với 2.500 hộ tham gia. Thông qua dự án đã tập huấn biện pháp canh tác bền vững cho cho 19.708 nông dân. Hỗ trợ thành lập 97 Tổ Đồng quản lý tại 8 tỉnh với 13.812 ngư dân tham gia. Các tổ này quản lý 803 km chiều dài bờ biển.

Riêng hai tỉnh Bình Định và Phú Yên đã phê duyệt đề án Khu vực biển ven bờ do cộng đồng địa phương quản lý với diện tích gần 83.000 ha. Ngoài ra, 20 cảng cá, bến cá được cải tạo, nâng cấp, trong đó 6 cảng cá, bến cá đã hoàn thành đưa vào sử dụng; còn lại đều hoàn thành từ 50% đến 90% khối lượng...

Thế Lập (TTXVN)
Hỗ trợ cho tổ hợp tác khai thác hải sản xa bờ
Hỗ trợ cho tổ hợp tác khai thác hải sản xa bờ

Tỉnh Trà Vinh đang triển khai chính sách về xây dựng và phát triển Tổ hợp tác khai thác hải sản xa bờ nhằm giúp ngư dân vươn khơi xa bền vững, phát huy tinh thần đoàn kết trong sản xuất, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn , tự bảo vệ nhau trên biển và nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN